Tin tức - Sự kiện

Đề nghị lập cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Quốc hội

Mô hình cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng độc lập, trực thuộc Quốc hội, giống như mô hình Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội lập, bổ nhiệm người đứng đầu.

 

Tham nhũng cũng... thách thức sự kiên nhẫn

 

 

Tham nhũng đang thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Trần Đình Nhã bày tỏ bức xúc về nạn tham nhũng. Ông Nhã đã đưa ra đánh giá, chưa bao giờ tham nhũng xuất hiện với tần số nhiều như bây giờ. Tham nhũng đang tồn tại trên nhiều lĩnh vực, có dấu hiệu tăng trong lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng, ở các tập đoàn kinh tế… Tham nhũng đang thách thức sự quản lý của Nhà nước. Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề về xã hội Nguyễn Thị Khá (đại biểu tỉnh Trà Vinh) thẳng thắn:  Tham ô tăng theo cấp số nhân, mà nguồn thu từ ngân sách Nhà nước thì ngày càng hao hụt, trong khi tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi sự quỷ quyệt của loại tội phạm này.

 

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đánh giá, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đã đến mức nghịch lý. Trước đây khi xây dựng các tập đoàn, các Tổng công ty thì Nhà nước nắm vai trò quản lý, điều hành các tập đoàn này. Hiện giờ, dường như chính các tập đoàn lại chạy theo các lợi ích của mình… Nhiều ý kiến các đại biểu thực sự lo lắng, búc xúc trước sự “xâm lăng” của tệ tham nhũng đang làm nhức nhối xã hội…

 

 

Nhiều vụ tham nhũng lớn chưa được làm rõ

 

 

Các ý kiến đại biểu về chống tham nhũng đều cho rằng hầu hết các vụ được phát hiện đều chỉ là những vụ việc nhũng nhiễu vặt vãnh, nhỏ lẻ còn tội phạm lớn hầu như đều… thoát. “Con mèo ăn miếng mỡ thì bắt được, chứ bắt cọp, bắt heo là chưa”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói ví von.

 

Đại biểu Trần Đình Nhã đưa ra con số: Năm qua, số vụ án tham nhũng mà tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ (trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%). Nếu chỉ nhìn vào số liệu này sẽ thấy nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở nước ta chỉ xét xử được chừng ấy, toàn án nhẹ mà sao cứ bức xúc về tham nhũng. Ông Nhã tỏ rõ thái độ: “Tham nhũng đang thách thức Nhà nước, nhân dân. Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Đánh tham nhũng phải quyết liệt như với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia”. Ông coi nó như một loại “giặc”, muốn chống nó phải áp dụng những biện pháp như với kẻ khủng bố, nội gián trong nội bộ chúng ta.

 

Ông Trần Đình Nhã cho rằng, cần thành lập cơ quan độc lập điều tra về chống tham nhũng. Đây sẽ là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội để chuyên điều tra xét xử tội phạm tham nhũng. Cơ quan này được tổ chức, bao gồm những cán bộ tốt nhất, xuất sắc nhất từ lực lượng Công an. Về quyền hạn, ông Nhã kiến nghị: “Cơ quan này phải có thực quyền và được độc lập để điều tra chống tham nhũng, có thể có văn phòng ở ngay những nơi, những ngành nhạy cảm có tỷ lệ tham nhũng cao”. Theo ông Nhã, tham nhũng đang thách thức và làm “đau đầu” như vậy nên đề nghị các cơ quan tư pháp không xử án treo, án xét xử không giam giữ với bất kỳ vụ án tham nhũng nào và không tha trước thời hạn cho đối tượng tham nhũng. Để “triệt” loại tội phạm “cổ cồn” này, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng: “Phải thu hồi được tài sản tham ô”, không thể để cho kẻ tham nhũng có cơ hội “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Chống tham nhũng nghĩa là phải đấu tranh dẹp nạn bè phái, cục bộ, bao biện, móc nối.

 

 

Phải thu hồi triệt để tài sản tham nhũng

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá lý giải, vì người tham nhũng chắc chắn biết việc mình làm là sai nên đều có tính toán, kế hoạch chặt chẽ để “liên doanh – liên kết – liên thông” cùng nhau phạm tội. Vậy nên vụ tham nhũng nào phát hiện, số cán bộ “dính án” đều là số nhiều. Khi bị phát hiện, người tham nhũng cũng lại có “3 chạy”: chạy án, từ có tội thành không tội; chạy tội – từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù – từ tù ngồi thành tù... treo. “Tội phạm tham nhũng vì thế tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo, không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có… thuốc” – bà ví von.

 

Có một thực tế, qua thanh tra phát hiện sai phạm, Thanh tra Nhà nước đã kiến nghị thu hồi gần 8.000 tỉ đồng nhưng con số thực tế thu về được chỉ khoảng 30%. Từ đó cho thấy việc thu hồi tài sản thi hành án xét xử tham nhũng là điều rất đáng quan tâm. Bàn về hướng xây dựng cơ chế để làm sao đạt được “ba không”. Cán bộ có muốn tham nhũng thì cũng… không dám, vì đã có thu nhập xứng đáng. Thứ hai, có muốn cũng không dám vì sẽ bị thu hồi hết tài sản “lấy cắp” của dân… Đó cũng là ý kiến của một số đại biểu trong phiên thảo luận phòng chống tội phạm tham nhũng.

 

 

 

Đại biểu Quốc hội nói về quyết tâm chống tham nhũng của lực lượng Công an

 

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam):

Phải nói rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đang diễn ra hết sức quyết liệt, lực lượng Công an đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 243 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Đây là một tổn thất lớn trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm. Dù phức tạp nhưng toàn lực lượng Công an Nhân dân đã nỗ lực không ngừng, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm. Lực lượng Công an đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam):

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã cố gắng rất lớn để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để kinh tế đất nước phát triển. Nhưng, trên thực tế còn nhiều vấn đề hết sức nhức nhối như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn chế biến giết, mổ gia súc, gia cầm; về vệ sinh an toàn thực phẩm; về khai thác khoáng sản trái phép và hàng hóa nhập lậu…

 

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long):

Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, mặc dù còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn nhưng lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều chiến công xuất sắc, rất nhiều vụ trọng án, nhiều vụ án kinh tế phức tạp quy mô lớn đã bị triệt phá. Bọn tội phạm kiên quyết chống trả, các băng nhóm xã hội đen hung hãn với đủ mọi loại hung khí “chết người” nhưng các vụ án nghiêm trọng đã được phát hiện và khám phá nhanh chóng, bắt giữ các đối tượng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh và hàng trăm đồng chí đã bị thương để góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Cử tri rất hoan nghênh những cố gắng và hy sinh lớn lao của lực lượng Công an nhân dân.

 

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Công An Nhân Dân)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo