Đề nghị lập cơ quan độc lập quản lý vốn nhà nước
Sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vấn đề quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết qua thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề giám sát vốn nhà nước chưa rõ ràng vì chỉ nêu nội dung giám sát mà chưa cụ thể “cơ quan giám sát là ai, chức năng quyền hạn là gì, hậu giám sát
ra sao?”.
Cũng có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DNNN.
Cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN khác.
Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nếu cứ giữ nguyên mô hình quản lý vốn nhà nước như hiện nay thì sẽ không có thay đổi gì, trong khi quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN là vấn đề đang rất bức xúc. Đặc biệt trong cơ chế quản lý vốn nhà nước phải có đầu mối chịu trách nhiệm vì đây là ngân sách, tiền thuế của nhân dân.
“Vì thế Quốc hội phải quyết định cơ quan nào thay mặt nhân dân quản lý toàn bộ số vốn nhà nước tại DN và phải bảo đảm tách bạch với cơ quan sử dụng vốn”, ông Ksor Phước nói.
Theo Ủy ban Kinh tế việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý DNNN. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN.
“Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế phân tích thêm, khi thành lập cơ quan độc lập, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các DN hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại DN.
“Nếu lựa chọn theo phương án này thì Ủy ban Kinh tế kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.
Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, mô hình đại diện chủ sở hữu là vấn đề rất hệ trọng, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị cho ý kiến là tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu trình Bộ Chính trị và Trung ương.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chọn mô hình nào để thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN mà khắc phục được tồn tại yếu kém trong quản lý vốn nhà nước hiện nay cần nghiên cứu thêm và cần có thêm thông tin để giải trình với Quốc hội.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo