Tin tức - Sự kiện

Đề nghị tăng lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng từ 1/7/2013

Tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/7/2013.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sáng 31/10, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Vấn đề tăng lương không chỉ là mối quan tâm của người hưởng lương mà còn của lãnh đạo Chính phủ.

Để tăng lương đúng lộ trình từ 1/5/2013 thì cần 60.000 - 65.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) và 29 nghìn tỷ đồng để thực hiện mức lương tối thiếu 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong 2013.

“Điều này vượt quá khả năng cân đối của ngân sách 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp, mức tăng thu 2013 cũng khó khăn do mức tăng trưởng dự báo chỉ 5,5%. Trước tình hình này, Chính phủ báo cáo Quốc hội dự kiến tháng 5/2013 thực hiện 1 phần mức lương tối thiếu chung hoặc bố trí tăng lương cho người nghỉ hưu, người có công, cán hộ có hệ số lương thấp” – Bộ trưởng Huệ nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, sau khi thảo luận, Thủ tướng đã chỉ đạo dự kiến trình Quốc hội xem xét phương án tăng lương ngay trong khi xem xét quyết định dự toán ngân sách trong kỳ họp này.

Phương án cụ thể được Bộ trưởng Tài chính trình bày trước Quốc hội là: tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) ở mức 100.000 đồng/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/7/2013 tổng kinh phí khoảng 21.700 tỷ đồng (1 tỷ USD), ngân sách trung ương lo 18.400 tỷ, địa phương 3.300 tỷ đồng.

Do dự toán thu nội địa xuất nhập khẩu, dầu thô ở mức cao, độ rủi ro lớn nên không nên tăng thêm khoản dự toán thu mà để có nguồn tăng lương phải cơ cấu lại các nguồn chi ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu.

Để vừa đạt mục tiêu tăng lương, vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, dự kiến Chính phủ báo cáo Quốc hội giảm mức đầu tư công 10 nghìn tỷ đồng xuống 170 nghìn  tỷ nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức bội chi ngân sách; phát hành trái phiếu chính phủ 55.000-60.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho cả giai đoạn đến 2015, tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng, trong điều kiện ngân sách 2012 có tăng thu thì sẽ bố trí tăng thêm cho mức hụt chi này.

Ngân sách địa phương 3.300 tỷ đồng thì lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và 50% tăng thu dành để làm lương còn lại ở một số địa phương.

Bộ trưởng khẳng định: “Đây là phương án khả thi nhất có thể tính đến. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở 7-8% để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho người hưởng lương”./.

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo