Đề nghị xử lý hình sự thủy điện xả lũ gây hậu quả cho dân
Tại phiên chất vấn ngày 19.11, một trong những vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm vì đang rất thời sự, đó là việc thủy điện xả lũ gây ngập úng một số vùng hạ du khu vực miền Trung. Nhiều ĐBQH cho rằng cần phải xử lý hình sự đối với những người gây ra hậu quả này. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Chính phủ sẽ xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự với những tổ chức, cá nhân gây hậu quả cho người dân và xã hội.
“Chúng ta đang họp khi miền Trung chìm trong lũ”
Đó là câu cảm thán mà ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu ra khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ. ĐB Đương bày tỏ thái độ hoan nghênh Chính phủ đã bỏ được 424 thủy điện, tuy nhiên ĐB bức xúc: “Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện, vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương, chỗ này như thế nào?” – ông Đương đặt câu hỏi.
Theo ĐB Đương thì cần phải ra một quy định rằng, trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới mưa lớn, thì các hồ chứa nước thủy điện phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên, nhưng hiện nay thủy điện không làm thế mà cứ tích nước lại để phát điện kiếm một vài tỉ đồng. Khi lũ đến lại xả vội vàng, vì sợ vỡ đập dẫn đến gây ngập lụt, thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, thậm chí làm mất mạng người dân.
ĐB Đương cho rằng “cần phải có quy định xả lũ rõ ràng, nếu anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm, không thể vì lợi ích nhỏ, mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu”.
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng bức xúc: Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn cứ tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không?”. Theo ông Phúc, đối với vấn đề này cần phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm.
Xem xét trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương
Đứng về quyền lợi của người dân vùng thủy điện, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) gay gắt: “Người dân tại các công trình thủy điện, vào mùa khô thì cạn kiệt nguồn nước, vào mùa mưa lũ thì lũ lụt như miền Trung hiện nay. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất là cao. Tôi còn nhớ rất rõ khi trả lời chất vấn ở kỳ trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có ghi nhận ý kiến đề nghị của ĐBQH và hứa sẽ phối hợp các bộ, ngành để sớm ban hành chính sách.
Như vậy, trong cả 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, nghị quyết của Quốc hội đều giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện, nghị quyết Quốc hội xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành.
Thế nhưng năm 2013 sắp kết thúc nhưng chính sách dành cho đồng bào nghèo, vùng tái định cư thủy điện theo nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa được ban hành, đáng buồn hơn là tại kỳ họp này khi trả lời chất vấn của ĐBQH Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì vậy tôi đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”.
Sau khi nghe ý kiến của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nghiêm túc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, phải xử lý nghiêm minh kể cả luật hình sự tổ chức, cá nhân nào gây ra hậu quả cho người dân và xã hội.
Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo