Tin tức - Sự kiện

Đề thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia sẽ tương tự năm 2014

Chiều 9/3, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trugn học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Theo đó kỳ thi năm nay cả nước sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (mỗi cụm ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuuyển ĐH, CĐ và hơn 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp.

Đề thi THPT quốc gia sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - ảnh minh họa.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi năm nay cả nước sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (mỗi cụm ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuuyển ĐH, CĐ và hơn 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi giống nhau, tức là dù ở cụm thi tỉnh hay liên tỉnh thì thời gian, đề thi, thanh tra... là như nhau. Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở. 

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia diễn ra vào các ngày 1-4/7, sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả thi 4 môn này đồng thời được sử dụng để xét tuyển vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ. Thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Đến nay đã có 125 trường ĐH, CĐ được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh; 300 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh.

 

Thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường ĐH, CĐ nên các em có nhiều cơ hội vào đại học, chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật 3 ngày một lần và công bố trên mạng.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Trung ương, địa phương, các trường ĐH, CĐ mà lớn nhất là chi phí của từng gia đình học sinh cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát để việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh cũng như các cụm thi tại từng tỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi, giảm tối đa rủi ro trong quá trình đi thi của học sinh và gia đình. 

 

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục phải thông tin về cơ cấu đề thi, đưa ra mẫu đề thi để các trường và các em học sinh có thời gian chuẩn bị; quy định rõ việc cử cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi tại cụm thi liên tỉnh, có cơ chế giám sát chéo; điều chỉnh quy định về việc nộp phiếu báo điểm thi để xét tuyển ĐH, CĐ bằng cả bản giấy lẫn qua mạng để tránh việc thí sinh đổ về các thành phố lớn nộp phiếu báo điểm trong các đợt tuyển sinh.

 

Đánh giá cao quá trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng và ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản, tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội, từng bước hội nhập với cách thức tổ chức học và thi của các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, đổi mới nhưng vẫn phải đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương làm đề án tuyên truyền cho nhân dân và toàn xã hội hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyên truyền giải thích cụ thể cho các em học sinh và gia đình hiểu rõ, cặn kẽ những điểm mới, tránh tình trạng không hiểu, không biết mình phải làm gì theo quy chế thi, tuyển sinh mới.

 
Chinh Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo