Giải pháp trên được đưa ra tại Hội nghị “Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững” do Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức vào chiều 14/5 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, sau khi nghe báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau quả của đại diện Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến phần tham luận bàn để đưa ra giải pháp phát triển xuất khẩu rau, quả bền vững đa số đại biểu đã nhất trí quan điểm, để đáp ứng nhu cầu rau quả ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước và nước ngoài, cần có các giải pháp tổng thể tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản theo hướng hiện đại.
Theo ý kiến của đa số các đại biểu tại hội nghị, giải pháp đầu tiên là cần phải ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến, hiện đại trong điều kiện của Việt Nam, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Đồng thời, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả, như sấy chân không, nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chế biến tổng hợp...
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng cần được chú trọng. Trong đó, ban hành các thông tư liên tịch làm rõ phân công và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Hợp nhất các văn bản dưới luật, xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng Luật và văn bản dưới luật. Huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nâng cao vai trò của các địa phương trong công tác theo dõi, quản lý sản xuất cả về quy hoạch và chất lượng cũng như cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp một cách sát sao.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, thông qua các hội chợ, hội thảo quảng cáo sản phẩm rau quả tại nước ngoài. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm, tổ chức các chiến dịch xúc tiến thương mại mang tính quảng bá sản phẩm tại các sự kiện lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website điện tử...
Tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng đã xác định, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là cần phải nắm bắt, theo dõi thông tin của thị trường, để từ đó có những đối sách và biện pháp phù hợp nhằm khai thác được cơ hội và vượt qua khó khăn. Theo Bộ Công Thương, khâu yếu nhất trong công tác thông tin hiện nay đó là sự đứt đoạn trong các khâu xử lý và khai thác thông tin. Cách thức phối hợp của các cơ quan quản lý chưa thực sự hiệu quả nên vẫn còn xảy ra việc ách tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu xuất khẩu hay tồn đọng không tiêu thụ được, gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp.
Đưa ra ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Ánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất nhập khẩu rau quả 1 Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng để phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững thì nhất thiết cần phải có sự phối hợp bền vững giữa cơ quan quản lý nhà nước đến người sản xuất, người làm lưu thông. Trong đó phải giải quyết được vấn đề thời điểm gieo trồng, thu hoạch và tiêu thụ trong bao lâu và lưu thông như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Theo ông Ánh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cần phải được ưu tiên, người dân cần được miễn thuế và có cơ chế ưu đãi sản xuất. Đối với lĩnh vực chế biến và lưu thông, khi nằm trong một hệ thống là mắt xích của quá trình sản xuất – tiêu thụ cũng cần có chế độ ưu đãi như trong lĩnh vực sản xuất.
“Xuất khẩu rau quả cần nghiên cứu tạo điều kiện trong quá trình lưu thông, có thể giảm cước phí bằng cách giảm thuế VAT cho công tác vận chuyển và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Những người làm lưu thông cũng phải được miễn giảm thuế, bởi khi miễn giảm thuế cho người lưu thông cũng là một biện pháp để gián tiếp giảm thuế cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp lưu thông vẫn chưa hề có được sự ưu tiên, phí vận chuyển rau quả hướng đến xuất khẩu như vận chuyển các mặt hàng khác”, ông Ánh khẳng định.
Mong muốn Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa
Dự báo về thị trường xuất khẩu Vải trái trong thời gian tới, ông Ánh cho rằng, vải thiều năm nay sẽ xuất khẩu mạnh ở cửa khẩu Lào Cai, và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều trái vải nhất, do đó vẫn phải thúc đẩy, bám vững, đẩy mạnh xuất khẩu vải vào thị trường này. Để việc lưu thông được thuận lợi, Chính phủ cần mở thêm điểm thông quan hoặc tăng thêm thời gian thông quan để quá trình xuất khẩu được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, ông Ánh cũng cho rằng mặt hàng như rau củ quả chế biến 100% thi không nhất thiết phải qua kiểm dịch, việc đó sẽ giảm bớt chi phí, thủ tục trong quá trình lưu thôn. Cũng theo ông Ánh, các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến rau quả và làm lưu thông rau quả trong một chuỗi mắt xích như quá trình sản xuất nông nghiệp. Khi đã tạo lập được quy trình sản xuất theo chuỗi thì hệ thống sẽ chạy thông suốt, góp phần thúc đẩy ngành trồng trọt.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sản xuất tiêu thụ nông sản, thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm phải đi theo hạ tầng. Đối với mặt hàng rau quả đòi hỏi phải có hệ thống bảo quản nhất định, trong khi hệ thống kho lạnh, kho mát cho những điểm tập kết hàng sẽ làm cho quá trình lưu thông được an toàn trước những lý do khách quan. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ xây dựng kho hạ tầng để có nơi lưu trữ hoa quả khi chưa kịp xuất khẩu sang nước ngoài", ông Ánh đề nghị.
Hòa Hậu