Để xe quá tải là mất chức!
Chiều 31-3, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã họp sơ kết công tác ATGT quý I/2015 trực tuyến với các địa phương.
Quản lý tài xế lỏng lẻo
Báo cáo tình hình tai nạn giao thông (TNGT) quý I, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết tính từ giữa tháng 12-2014 đến giữa tháng 3-2015, toàn quốc xảy ra hơn 5.800 vụ tai nạn, làm chết 2.300 người, bị thương gần 5.500 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm được 731 vụ, 82 người chết, 974 người bị thương. Đáng chú ý, tai nạn đường bộ có 2.600 vụ nhưng làm chết 2.300 người, bị thương 1.600 người. Đặc biệt, trong quý I/2015 đã xảy ra 43 vụ tai nạn đường sắt làm chết 38 người, bị thương 11 người, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 16 địa phương để tỉ lệ tai nạn tăng hơn 10%. “Đề nghị có biện pháp phê bình, kiểm điểm 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang” - Bộ trưởng nói.
Mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng “tư lệnh” ngành GTVT lo ngại khi số người chết chỉ giảm được 3,8% (82 người), tai nạn đường thủy tăng cao với số người chết tăng tới 53%.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải, để xảy ra thảm cảnh TNGT có nguyên nhân do việc quản lý tài xế quá lỏng lẻo từ công tác đào tạo đến khi hành nghề. Bổ sung thêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đang nổi lên tình trạng số xe công vụ do người mới lái gây tai nạn chết người, cần có biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác cạn kiệt tài xế, bắt họ chạy ròng rã cả đêm và hậu quả là tai nạn xảy ra.
Làm rõ nhận định này, đại diện tỉnh An Giang cho hay trong 40 vụ TNGT nghiêm trọng, thảm khốc trên địa bàn chủ yếu là do tài xế xe tải nhận hàng từ TP HCM về, tăng chuyến nên không ngủ.
Với vai trò đại diện cho doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh phân trần: “Xử phạt hiện nay chưa nghiêm dẫn đến nhờn thuốc. Gây tai nạn chỉ đền tiền nên tài xế và doanh nghiệp không thấy tính răn đe dẫn đến coi thường pháp luật”.
Sẽ đề xuất tăng mức phạt
Để có biện pháp mạnh, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) Trần Sơn Hà cho biết 3 tháng đầu năm nay đã “phá kỷ lục” khi có hơn 1 triệu trường hợp vi phạm bị xử lý, số tiền phạt lên tới hơn 4 tỉ đồng. “Vấn đề không phải là mức phạt, hình phạt nặng hay nhẹ mà quan trọng là các địa phương phải siết lại công tác lãnh đạo, xem xét trách nhiệm và chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều TNGT” - ông Hà kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất: “Nhiều người sợ nhất việc bị giam giữ, quản chế, buộc lao động công ích 5-10 ngày hơn là bị phạt 5 triệu, 10 triệu đồng… Vì thế, cần mạnh dạn áp dụng biện pháp này”. Bên cạnh đó, ông Thanh đề nghị trong quý II cần đẩy mạnh khai thác thiết bị giám sát hành trình theo hướng 100% số xe dịch vụ vận tải phải lắp. “Làm sao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý sai phạm cho nghiêm minh chứ cứ giăng CSGT trên đường xử phạt thì tài thánh cũng không ngăn được tiêu cực” - ông Thanh nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định hình phạt đối với vi phạm giao thông hiện còn ít, cần tăng nặng hơn, không chỉ là phạt tiền. “Trước hết, cần phạt tiền nhiều hơn và các biện pháp khác như tạm giữ xe. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-4, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ trình bày phương án đề xuất tăng mức phạt cụ thể” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Không khó trị xe quá tải
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng địa phương nào mà lãnh đạo thực sự vào cuộc thì sẽ hết xe quá tải. Bộ trưởng nêu ví dụ tỉnh Hà Tĩnh, trước đây xe quá tải nhiều nhất cả nước nhưng khi bí thư, chủ tịch ra đường chỉ đích danh thì hết sạch. “Nơi nào còn xe quá tải thì bí thư, chủ tịch, giám đốc công an, giám đốc sở GTVT chưa vào cuộc hết mình” - ông Đinh La Thăng nhận định.
Ông Thăng cũng chỉ rõ đầu mối xe quá tải là từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai… Trong đó, tình trạng chở quá tải xảy ra nhiều ở cảng Hải Phòng. “Nếu Hải Phòng còn để xe xuất hàng quá tải thì cách chức giám đốc cảng Hải Phòng. Chi cục quản lý đường bộ nào để xe quá tải làm hỏng đường, từ Vĩnh Phúc đến Lào Cai thì chi cục trưởng cũng mất chức. Nhất quyết như vậy” - ông Thăng quyết liệt.
Thông cảm cho ngành đường sắt
Nhận khuyết điểm vì có vụ TNGT nghiêm trọng giữa đường bộ và đường sắt, ông Nguyễn Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, phân trần một phần nguyên nhân do Quốc lộ 1 và đường sắt đi rất sát nhau. Trên toàn tỉnh có 63 đường ngang qua đường sắt nhưng còn 23 đường không có rào chắn. Trước bày tỏ này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Cả nước hiện có 6.000 điểm đường ngang đường sắt, không thể một lúc bỏ ra 30.000 tỉ đồng để làm toàn diện rào chắn, rất mong các địa phương và nhân dân thông cảm”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024