Đề xuất chính sách tiền lương mới
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ chia sẻ điều này trên TTXVN.
Hệ thống tiền lương rối rắm, phức tạp
Cụ thể, về những bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: Chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần từ năm 1960, 1985, 1993, 2003 nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn có nhiều bất cập.
Mức lương cơ sở để dùng tính bảng lương theo ngạch bậc, chức vụ thấp, cụ thể là hơn 1,3 triệu đồng. Một người tốt nghiệp đại học nhân hệ số 2,34 chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng. Mức lương này thấp so với nhu cầu cuộc sống cũng như tiền lương trên thị trường.
Thứ hai, tiền lương quy theo hệ số nhân với lương cơ sở nên dẫn đến việc cán bộ công chức chỉ nhớ hệ số mà không biết được giá trị thực của tiền lương.
Thứ ba là hiện nay chúng ta có quá nhiều phụ cấp, dẫn đến tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản. Người hưởng lương chỉ nhớ đến lương cơ bản, quá nhiều phụ cấp gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, so sánh giữa ngành nọ với ngành kia. Ngành y tế nói mình thấp nhất, giáo dục cũng vậy… nhiều ngành đang có sự so bì với nhau.
Đây là bất cập tạo sự rối rắm, phức tạp trong hệ thống tiền lương. Việc thiết kế tiền lương theo ngạch cộng phụ cấp chức danh lãnh đạo dẫn đến có trường hợp người lãnh đạo cao nhưng mức lương thấp hơn lãnh đạo thấp, chưa thể hiện được thứ bậc. Đặc biệt, cơ chế tạo nguồn giữa các đơn vị sự nghiệp theo hướng thu phí, giá dịch vụ, trong đó có tiền lương còn rất chậm.
Trả lời câu hỏi: “Vì sao lại có sự tréo ngoe lãnh đạo cao nhưng mức lương thấp?” ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: Chuyện này xảy ra ở cơ quan Đảng. Theo quy định hiện hành, hệ thống đảng, đoàn thể được hưởng phụ cấp 30% nhưng chỉ người có chức vụ từ vụ trưởng trở xuống mới được hưởng, còn phó trưởng ban đảng (tương đương cấp thứ trưởng) trở lên không được hưởng, điều này dẫn đến lương của phó trưởng ban thấp hơn lương của vụ trưởng.
Bất hợp lý ở chỗ, đối với công tác đảng, đoàn thể, các chức danh tương đương thứ trưởng trở lên không được hưởng, bí thư xã trở xuống không được hưởng, chỉ người làm công tác trong các cơ quan tham mưu của Đảng từ cấp vụ trưởng xuống cấp huyện thì được hưởng. Chính điều này tạo ra sự méo mó, bất cập trong tiền lương.
Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo
Để giải quyết những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: Kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo Đề án cải cách tiền lương trình Trung ương sắp tới đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với luật cán bộ công chức và viên chức.
Cụ thể, theo thiết kế tiền lương hiện hành, những người giữ chức vụ lãnh đạo kể cả bầu cử và bổ nhiệm đều xếp lương theo công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
“Ví dụ, tôi là vụ trưởng, tôi đang hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp, sau đó tôi hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,0. Ai cũng hiểu lương của mình là bao nhiêu phẩy nhưng không ai nói tiền lương của mình là bao nhiêu” – ông Dũng nói và cho biết: “Trong thiết kế cải cách tiền lương sắp tới, chúng tôi đề nghị thiết kế một bảng lương theo chức vụ lãnh đạo”.
Ví dụ, chức vụ vụ trưởng được hưởng mức lương 17 triệu đồng, ai được bổ nhiệm chức vụ này sẽ được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.
Đồng thời, thiết kế một bảng lương đối với chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng chung cho các ngành nghề, những người không giữ chức vụ lãnh đạo.
Bảng lương này cũng được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Dự kiến, Đề án sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số tiền lương, xây dựng hệ thống bảng lương mới trên cơ sở quy định bằng mức tiền tuyệt đối.
Một trong những điểm mới trong Đề án là những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), thực hiện thống nhất chế độ lao động hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) và lương của họ được thỏa thuận giữa cơ quan với người lao động chứ không đưa vào bảng lương cân đối của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định hiện hành, đối tượng lao động hợp đồng theo Nghị định 68 như nhân viên lái xe, bảo vệ, phục vụ cũng được tính lương bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở chung như công chức, viên chức, trong khi họ lại không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức. Việc này tạo ra việc quản lý không chặt chẽ trong tinh giản biên chế.
Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc ngân sách
Về đề xuất bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trong dự thảo Đề án cải cách tiền lương, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: Việc này do mức lương thấp, ngoài tiền lương ra, trong các quy định của nhà nước cho phép công chức được hưởng thêm một số chế độ ngoài lương.
Ví dụ như cán bộ công chức khi xây dựng văn bản pháp luật thì được chi bồi dưỡng, tiền hội họp… Những nhiệm vụ này thực chất là nhiệm vụ của công chức nhưng lại vừa có tiền lương, vừa có nguồn thu từ việc này dẫn đến việc lẫn lộn các khoản chi thực chất cũng là từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng mức lương đối với cán bộ công chức do nhà nước quy định, giảm các khoản thu mang tính không chính thống, không thường xuyên, để cơ quan, đơn vị tập trung vào làm nhiệm vụ, chuyển những khoản thu này vào lương chính./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên