Tin tức - Sự kiện

Đề xuất chống ùn tắc giao thông: Xây nhà cao tầng!

Nhằm giảm ùn tắc giao thông ở nội đô, nếu như ông Mai Trọng Tuấn đề xuất cấm xe ôtô cá nhân lưu thông 5 giờ trong ngày và 5 ngày trong tuần thì ngược lại, ông Nguyễn Bá Long - Giám đốc Công ty CP hỗ trợ giải pháp và văn hóa giao thông - lại có đề xuất mở rộng đường hơn nữa.

Điều đáng chú ý là giải pháp này không những không tốn tiền, mà Nhà nước lại có thêm nhiều tiền. Với điều kiện: Khi GPMB mở rộng thêm 50m mỗi bên và xây các khối nhà cao 25 tầng trên đó theo đúng mật độ xây dựng.



Đề xuất này đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ngày 23/4/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2805 gửi cho Công ty thông báo, đã chuyển đề xuất này đến Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội để nghiên cứu.



Tám nguyên nhân được đưa ra trong đề án này về cơ bản không có gì mới, nhưng 8 giải pháp khắc phục thì có hai điểm đáng chú ý. Đó là mở thêm nhiều đường ngang tại một số tuyến phố và mở rộng một số tuyến phố với các biện pháp cụ thể - từ quy mô xây dựng, cơ chế cho các chủ đầu tư... đến việc đề xuất thành lập “Hội đồng cố vấn” do Thủ tướng chủ trì và thành lập.

 

Trong đó, đề án đã đề nghị cho thực hiện thí điểm việc mở rộng đường vành đai 1 theo đúng quy hoạch của thành phố - hiện tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Hậu quả, dự án này dù rất quan trọng cho việc lưu thông ở thủ đô, nhưng vẫn chưa thể thành đường vành đai đúng nghĩa.



Phương án đã được tính toán cụ thể với đoạn Trần Khát Chân kéo dài tới đê Nguyễn Khoái (dài 700m) thuộc vành đai 1. Theo đề án này, kinh phí giải phóng mặt bằng cho 1km đường Xã Đàn tốn khoảng 1.000 tỉ đồng. Nhưng khi hình thành, tuyến phố này mặt tiền vẫn khá lộn xộn. Rút kinh nghiệm, Ủy ban Nhân dân Thành phố khi quy hoạch lại tuyến phố Trần Khát Chân sẽ lấy thêm mỗi bên đường khoảng 50m.



Tuy nhiên, khi giải phóng mặt bằng lại bị tắc. Theo đó, khu đất hai bên đường chỉ cho xây chín khối nhà thấp tầng (chín tầng) thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra từ 300 - 500 tỉ đồng mà sự đồng thuận của người dân không cao.



Đề án này khẳng định rằng, nếu thành phố cho phép thí điểm làm chín khối nhà trên thay vì chín tầng bằng 22 tầng thì sẽ giải phóng mặt bằng được ngay. Đồng thời, khi làm xong đường, thành phố lại có thêm tiền. Tính toán của đề án là, từ tầng 1 - 3 sẽ vừa làm văn phòng, nhà trẻ, siêu thị, các tầng trên cho tái định cư và kinh doanh. Như vậy, 100% số dân ở đấy sẽ có thể tái định cư tại chỗ, giá đền bù sẽ cao hơn nên dân sẽ đồng thuận cao.



Theo tính toán, số tiền bán đất ở mặt bằng chín ô đất này khoảng 3.292 tỉ đồng. Số tiền này đủ để đền bù khi giải phóng mặt bằng và làm đoạn đường dài 700m này. Đồng thời, dự kiến tổng số tiền đầu tư cho dự án chín khối nhà 22 tầng này khoảng 10.000 tỉ đồng. Như vậy, nếu chỉ tính riêng khoản thuế VAT, thành phố đã thu được khoảng 1.000 tỉ đồng. Nếu thí điểm thành công, đề nghị Chính phủ cùng Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng ở các tuyến phố khác theo đúng quy hoạch của thủ đô.



Các tác giả đề án này cũng khẳng định, tuy xây cao tầng, nhưng sẽ giảm được 65% ùn tắc giao thông, bởi nếu mở rộng làm được ở nhiều tuyến phố, tỉ lệ đường giao thông sẽ tăng từ 8% hiện tại lên 20%. Đề án cũng đưa ra số liệu để so sánh: TP.Osaka của Nhật Bản có 1.463 tòa nhà cao tầng, ở Hồng Kông có 7.685 tòa, ở Bangkok có 1.106, trong khi đó ở Hà Nội mới có khoảng 150 tòa nhà như vậy.

 

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo