Đề xuất công khai danh tính người mua dâm
Trước thực trạng mại dâm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi khó kiểm soát, Hà Nội đã đề nghị tăng mức phạt hành chính người mua dâm và công khai danh tính.
Thông tin này được đưa ra tại buổi tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm.
Nhằm phòng chống mại dâm hiệu quả hơn, Hà Nội đề nghị bổ sung Điều 22 với nội dung: Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Kiến nghị bổ sung sửa đổi khái niệm bán dâm tại Khoản 1 Điều 3. Sửa cụm từ “giao cấu” thành cụm từ “thỏa mãn tình dục”, để xử lý được hành vi kích dục của người khác giới và hành vi mua bán dâm của người đồng giới.
Cũng liên quan công tác phòng, chống mại dâm, chiều 22/7 phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái đã nêu những bất cập trong chính sách gây khó khăn cho công tác phòng chống mại dâm.
Theo ông Thái, sau khi Nghị quyết 24/2012/QH13 của Quốc hội có hiệu lực (Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính), tình hình mại dâm ở nơi công cộng có xu hướng công khai và gia tăng.
“Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: người bán dâm sau khi bị bắt giữ chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng nên người bán dâm ngầm hiểu là “phạt để tồn tại”. Việc xử phạt như quy định hiện nay hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái phạm”, ông Thái cho hay.
Phó giám đốc Sở cũng thông tin, thực hiện Nghị quyết trên, tháng 12/2012 toàn bộ hơn 180 người bán dâm đang được quản lý, chữa bệnh tại Trung tâm số II đã được giải quyết đưa về cộng đồng.
Lãnh đạo Sở cho biết khó thực hiện việc hỗ trợ, đào tạo việc làm cho người bán dâm sau khi hoàn lương, bởi theo quy định, người bán dâm có nhu cầu hỗ trợ việc làm phải đã hoàn lương, có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, có đơn xin hỗ trợ và được chính quyền địa phương xác nhận...
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ (học nghề: 2 triệu đồng một người; hỗ trợ tìm việc làm 1 triệu đồng một người) được cho là không đủ để học nghề và tạo việc làm, ổn định cuộc sống . Do đó, từ năm 2010 đến nay chưa có trường hợp nào nhận hỗ trợ tạo việc làm từ ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cần có cơ chế chính sách phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp giảm hại, hỗ trợ cho người bán dâm; có một hệ thống cung ứng dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, thân thiện với người bán dâm và nạn nhân bị bóc lột tình dục. Nâng cao ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống, vì hiện nay còn thấp và chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, nên hiệu quả hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân Hà Nội, năm 2003 Hà Nội có 55 tụ điểm hoạt động mại dâm, hiện nay còn 8 tụ điểm. Tổng số người bán dâm tại Hà Nội có khoảng 3.000 người, trong đó 90% từ tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, trên thực tế con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều, nạn mại dâm luôn là một vấn đề gây nhức nhối với đời sống văn hóa tại Thủ đô. Dọc rất nhiều tuyến phố như Kim Ngưu, Tam Trinh (Hoàng Mai), Dương Nội (Hà Đông), Tây Mỗ (Từ Liêm)… còn đầy rẫy những nhà chứa mại dâm núp bong “gội đầu thư giãn”. Thậm chí ngay tại trung tâm thủ đô (phía trước và sau Bảo tàng cách mạng) gái mại dâm ngang nhiên vẫy khách ở vỉa hè, vườn hoa… mặc dù các lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân triệt phá, nhưng sau một thời gian ngắn gái mại dâm vẫn trở lại khu vực này.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo