Tin tức - Sự kiện

Đề xuất giảm chi trả cho bệnh nhân trái tuyến, vượt tuyến

Một trong những điểm cơ bản trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến là việc đề xuất thay đổi mức hưởng với người khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến theo hướng thấp hơn đáng kể so với quy định hiện hành.

(vne) Thông tin được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, tổ chức tại Hà Nội ngày 19/6.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) đề xuất, trường hợp đóng bảo hiểm liên tục kể từ lần thứ 2 trở đi thì thẻ có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn thẻ lần trước. Người tham gia không liên tục thì thẻ có giá trị sử dụng sau 90 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm (quy định hiện nay là 30 ngày). Dự thảo sửa đổi luật cũng bổ sung quy định thanh toán 100% khi số tiền người bệnh cùng chi trả vượt quá 12 tháng lương cơ bản một năm đối với người có thời gian đóng 5 hoặc 10 năm.

Ngoài ra, một trong những điểm cơ bản trong dự thảo là việc đề xuất thay đổi mức hưởng với người khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến theo hướng thấp hơn đáng kể so với quy định hiện hành hoặc thậm chí không được thanh toán. Một số ý kiến không đồng tình với nội dung này vì cho rằng đang thắt chặt quyền lợi của người bệnh.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trước đây, quy định này được đưa ra vì muốn đảm bảo quyền lợi cho 2 nhóm. Thứ nhất là công nhân viên chức, học sinh sinh viên phải học tập, làm việc theo giờ hành chính, không có thời gian đi khám chữa bệnh đúng tuyến trong giờ hành chính. Thứ hai là người có thu nhập cao, cần dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn và sẵn sàng bỏ tiền cùng chi trả với quỹ bảo hiểm.

Trong 3 năm qua, tình hình lại diễn biến không hẳn như vậy. Lượng bệnh nhân vượt tuyến không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Lý do vì họ vẫn được bảo hiểm thanh toán với mức cũng khá cao, lần lượt 30-50-70% tùy theo hạng bệnh viện. Điều này khiến người bệnh không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính.

Theo ông Sơn, trách nhiệm một phần thuộc về chính các bệnh viện tuyến trên khi hầu hết các nơi này vẫn thực hiện những kỹ thuật đơn giản, thông thường mà lẽ ra có thể làm tốt từ tuyến dưới. Mặt khác, bản thân người bệnh cũng biết quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng nhiều nếu khám chữa vượt tuyến. Việc điều chỉnh này cơ bản chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm trên.

“Người bệnh nào cũng muốn quyền lợi của mình được hưởng nhiều hơn chứ không muốn giảm đi, song điều căn bản nhất là các điều chỉnh phải đảm bảo không đưa quỹ bảo hiểm trở lại hình thức bao cấp như trước đây. Có nghĩa người tham gia bảo hiểm không phải sẽ được hưởng mọi quyền lợi tối đa mà phải phụ thuộc vào khung quyền lợi theo quy định  trên cơ sở cơ chế nguồn chi phí thanh toán bằng quỹ”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, hiện nay việc tổ chức thực hiện Luật còn gặp nhiều vướng mắc như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn thấp, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế chưa cao. Nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế đạt 24%, vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia bảo hiểm y tế .

Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu. Thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà, vẫn còn tình trạng quá tải ở tuyến trên... Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, do nhiều cơ quan, tổ chức lập danh sách cấp thẻ. Có tỉnh tỷ lệ có thẻ tới hơn 100%, thứ trưởng Xuyên cho biết.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, để hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện đạt 67% dân số.

Nam Phương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo