Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với một số sản phẩm hóa dầu
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi một số Bộ (Công thương, KH&ĐT), ngành, hiệp hội doanh nghiệp góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số sản phẩm hóa dầu.
Tại văn bản, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 26/7/2012, Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 11/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính của Công ty Bình Sơn) và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (tại Thoả thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) cho dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2013/TT-BTC ngày 12/8/2013 quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng Benzen, Xylen và p-Xylen (thuộc nhóm 2707, 2902) và mặt hàng Polypropylen-hạt nhựa PP (thuộc nhóm 3902) có lộ trình như sau:
Tăng từ 0% lên 1% từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2014.
Tăng từ 1% lên 2% từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2015.
Tăng từ 2% lên 3% từ ngày 1/1/2016.
Riêng mặt hàng hạt nhựa PP dùng để sản xuất màng BOPP (có thông số kỹ thuật cụ thể) áp dụng mức thuế MFN là 0% từ 1/1/2015 đến 31/12/2015 (quy định tại Thông tư số 186/2014/TT-BTC ngày 8/12/2014).
Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư số 107/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành (ngày 26/9/2013), hạt nhựa PP do Công ty Bình Sơn sản xuất gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập ngoại có ưu đãi thuế, đặc biệt là trong năm 2015 khi lượng hàng hạt nhựa PP nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ theo mẫu D (Asean) hoặc mẫu E (Asean-Trung Quốc) với thuế suất 0% từ các nước trong khu vực Asean và Trung Quốc vào Việt Nam với giá thấp và thời hạn thanh toán dài đã gây sức ép rất lớn lên thị trường nội địa, đẩy hàng tồn kho của các nhà phân phối sản phẩm PP trong nước lên cao do không tiêu thụ được.
Do vậy, công ty Bình Sơn đã có công văn đề nghị Tập đoàn PVN kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng hạt nhựa PP về 0% cho những tháng cuối năm 2015 vì tháng 11/2015 là thời điểm Công ty Bình Sơn sẽ phải đàm phán ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm năm 2016 với các khách hàng. Với mức chênh lệch giá là 3% thì rất có khả năng khách hàng sẽ từ chối ký kết hợp đồng mua hàng với Công ty Bình Sơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN từ 0% lên 3% khiến các doanh nghiệp trong ngành không mua được hạt nhựa PP giá rẻ từ các nước Trung Đông, Ấn Độ, Đài Loan, dẫn đến làm tăng giá thành của sản phẩm nhựa trong nước, giảm hẳn sức cạnh tranh tại cả thị trường trong nước và tại thị trường xuất khẩu.
Để có cơ sở giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Nhựa khảo sát tình hình thực tế sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa dầu tại Công ty Bình Sơn và một số doanh nghiệp sản xuất nhựa trong ngành nhựa để đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu theo lộ trình đối với các sản phẩm hóa dầu từ 1/1/2014 đến nay.
Qua đánh giá kết quả khảo sát, Bộ Tài chính thấy rằng từ ngày 1/1/2016 nếu tăng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ 2% lên 3% đối với các sản phẩm hoá dầu như lộ trình thì sẽ ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm và doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, như: Mặc dù chỉ đáp ứng 13,7% nhu cầu trong nước, nhưng Công ty Bình Sơn sẽ không bán được hạt nhựa PP sản xuất ra nếu bán theo giá của hàng hoá nhập khẩu + 3% thuế nhập khẩu (bằng với mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) do là mức cam kết bao tiêu sản phẩm), phải giảm giá 3% (tương đương khoảng 100 tỷ đồng, tính theo mức giá 1.000 USD/tấn hạt nhựa PP).
Các doanh nghiệp sử dụng hạt nhựa PP sẽ phải mua từ các nước có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% (các nước trong Asean) với mức giá cao gần bằng mức giá nhập khẩu + 3% (tương đương với chi phí tăng thêm khoảng 621 tỷ đồng); và nếu các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu từ các nước có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% và đáp ứng điều kiện để được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% này thì NSNN cũng không có số thu thuế nhập khẩu từ mặt hàng này (đối với các mặt hàng Benzen, Xylen, p-Xylen kim ngạch nhập khẩu từ các nước có mức thuế nhập khẩu 0% trong 6 tháng đầu năm 2015 chiếm 94%; đối với mặt hàng hạt nhựa PP tăng từ 37% năm 2014 lên 49% trong 6 tháng đầu năm 2015, theo dự kiến của Hiệp hội nhựa, nếu từ 1/1/2016 thuế suất MFN tăng lên 3% thì KNNK từ các nước đối tác FTA sẽ tăng thêm khoảng 30%, theo đó, dự kiến KNNK theo mức thuế suất 0% sẽ khoảng 79% ).
Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến hai phương án sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số sản phẩm hóa dầu.
Phương án 1: Áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là 0% đối với các sản phẩm hoá dầu Benzen, Xylen, p-Xylen và Polypropylen (hạt nhựa PP) từ 1/1/2016 (bằng với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của một số FTA).
Thực hiện theo phương án này sẽ giải quyết ngay được kiến nghị của Công ty Bình Sơn và doanh nghiệp ngành nhựa. Theo đó, Công ty Bình Sơn không phải giảm giá bán (do mức thuế nhập khẩu cộng thêm là 0%), doanh nghiệp ngành nhựa mua được hạt nhựa (chi phí đầu vào) theo đúng giá (cả phần mua ở trong nước và phần nhập khẩu), giảm được khoảng 621 tỷ đồng năm 2016.
Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này thì Tập đoàn PVN phải bù giá cho Công ty Bình Sơn khoảng 100 tỷ đồng và sẽ không thu được số thuế nhập khẩu khoảng 130 tỷ đồng {(1.093.191 tấn nhu cầu hạt PP – 150.000 tấn do công ty BSR sản xuất)*21% (tỷ trọng KNNK theo thuế suất MFN)*1.000USD/tấn *22.000 VND/USD* 3% (thuế suất MFN)}.
Phương án 2: Áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là 1% đối với các sản phẩm hoá dầu Benzen, Xylen, p-Xylen và Polypropylen (hạt nhựa PP) từ 1/1/2016, riêng hạt nhựa PP trong nước chưa sản xuất được tiếp tục áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% (theo Thông tư số 186/2014/TT-BTC).
Thực hiện theo phương án này cũng sẽ giải quyết được kiến nghị của Công ty Bình Sơn và doanh nghiệp ngành nhựa; đồng thời giảm bớt được số tiền bù giá của Tập đoàn PVN và giảm thu NSNN.
Cụ thể: Với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 1%, cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của một số FTA (0%), nhưng để được áp dụng mức thuế 0% thì doanh nghiệp cũng cần thêm chi phí (như chi phí để có C/O) gần bằng hoặc bằng 1%, trong khi hàng hoá nhập khẩu thì cần thời gian vận chuyển và thường phải mua số lượng lớn (ứng vốn nhiều) hơn so với mua trong nước; theo đó, việc mua, bán các sản phẩm này của Công ty Bình Sơn theo mức giá nhập khẩu + 1% thuế nhập khẩu là chấp nhận được.
Đồng thời, số tiền Tập đoàn PVN phải bù cho Công ty Bình Sơn giảm từ 100 tỷ đồng xuống 67 tỷ đồng (tính theo giá hạt nhựa là 1.000 USD/tấn) và số thu NSNN về thuế nhập khẩu dự kiến là 167 tỷ đồng {(1.093.191 tấn nhu cầu hạt PP – 150.000 tấn do Công ty BSR sản xuất -200.000 tấn hạt PP đáp ứng tiêu chí kỹ thuật tại C98)*1.000USD/tấn *22.000 VND/USD* 1% (T/s MFN)}.
Từ năm 2017 trở đi: Có dự án nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2017. Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 262022000036 ngày 14/4/2008 của Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cấp cho dự án thì các sản phẩm hoá dầu của dự án dự kiến có công suất như sau:
Polypropylen: 1.042 tấn/ngày, tương đương 380.330 tấn/năm.
Benzen: 435 tấn/ngày, tương đương 158.775 tấn/năm.
Para-xylen: 1.440 tấn/ngày, tương đương 525.600 tấn/năm.
Theo đó, sang năm 2017 sẽ xem xét thực tế khi dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động để điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các sản phẩm hoá dầu cho phù hợp.
Từ phân tích ưu nhược điểm của từng phương án nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện theo phương án 2.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá