Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu: Bị giảm quyền lợi vì… sống lâu
"Nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Thế nhưng, Quỹ BHXH hiện nay đang phải chi trả cho đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 và bị "thâm hụt" bởi một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) và một số đối tượng khác làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 không đóng BHXH nhưng vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Điều này vi phạm nguyên tắc đóng - hưởng". Ông Lê Minh Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Bách Tùng (quận 12, TP HCM), đã nói như vậy trước đề xuất tăng tuổi hưu của NLĐ từ ngày 1/1/2021 trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trình Thủ tướng Chính phủ.
Nhập nhèm Quỹ BHXH và ngân sách
Trên lý thuyết, ngân sách nhà nước phải trả lại cho Quỹ BHXH các khoản chi cho người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 (thời điểm chính sách BHXH chính thức có hiệu lực) và cấp bù khoản chưa đóng trước năm 1995 của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… cho Quỹ BHXH. Nhưng thực tế, ngân sách nhà nước có trả hay không, trả bao nhiêu và trả đủ hay còn thiếu thì cả doanh nghiệp và NLĐ đều không được biết trong khi họ mới là người chủ thật sự của Quỹ BHXH.
Trong đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH có nêu lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn bởi theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ thu không đủ bù chi, phải trích từ phần quỹ kết dư để chi trả và từ năm 2034, quỹ kết dư cũng hết, dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Trước lý do này, ông Đ.N.T, một cán bộ Công đoàn đã nghỉ hưu, là người rất am hiểu về chính sách BHXH, khẳng định: Nếu đem toàn bộ tiền đóng BHXH của NLĐ gửi ngân hàng thì khi đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ sống thoải mái bằng tiền lãi ngân hàng. Chưa kể, phần tiền tích lũy được không mất đi đâu mà vẫn thuộc sở hữu của NLĐ chứ không phải của ai khác.
"Nếu nói tăng tuổi hưu để cân bằng Quỹ BHXH thì không hợp lý vì thực chất vấn đề hiệu quả nằm ở cách vận hành, sử dụng quỹ chứ không hẳn là ở thời gian lao động dài hay ngắn" - anh Nguyễn Văn Huy (Công ty Bê tông Xây dựng Việt Đức) nhận định. Theo anh, việc tăng tuổi hưu không cần thiết phải áp dụng đại trà, mà nên căn cứ vào từng ngành nghề đặc thù cụ thể và nên có hướng mở cho từng NLĐ. Nếu họ vẫn đủ sức khỏe, vị trí công tác vẫn cần đến họ thì nên cho NLĐ nhiều lựa chọn. Việc tăng tuổi hưu không cần thiết phải áp dụng cho lao động trực tiếp sản xuất.
Quá bất lợi cho người lao động
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ ra rằng do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng (nam là 70,8 năm; nữ là 76,1 năm theo thống kê năm 2016); vì vậy, nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 (nam) và 55 (nữ) thì thời gian còn sống của NLĐ quá dài, Quỹ BHXH phải trả lương hưu cho họ quá lâu. "Họ nói tuổi thọ trung bình của phụ nữ tới 76,1 tuổi, nói vậy thì hay vậy chứ thật tình tôi không tin. Trong công ty của tôi, nhiều chị mới ngoài 40 mà đã bệnh tật, gầy yếu, không còn đủ sức khỏe để làm việc. Các chị làm lụng cực nhọc, ăn uống đã thiếu thốn lại không an toàn - vệ sinh, điều kiện sống tồi tệ… thì làm sao có thể sống đến tuổi thất thập cổ lai hy?" - chị Huỳnh Thanh Vân, cán bộ nhân sự một doanh nghiệp tại KCX Linh Trung (TP HCM), nói như vậy.
Có cùng suy nghĩ, ông Hà Phước Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty Viễn Thông A, cho rằng nếu nâng tuổi hưu thì quá bất lợi cho NLĐ. Ông Đức nói: "Tôi không đồng tình với các lập luận mà cơ quan soạn thảo đưa ra. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu hiện nay đã là hợp lý. Kéo dài tuổi hưu không chỉ khiến NLĐ mệt mỏi vì sức khỏe không bảo đảm mà còn là gánh nặng cho nhà nước và cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với lao động nữ, ở độ tuổi 60, liệu họ có bảo đảm năng suất công việc trong khi doanh nghiệp phải trả lương cao cùng với nhiều loại chi phí? Do đó, tôi nghĩ đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu chứ không nên áp dụng đại trà vì sẽ gây bức xúc trong dư luận".
Là người trực tiếp bị ảnh hưởng nếu chính sách được thông qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Hoài, công nhân (CN) Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận, TP HCM), cho rằng việc đề xuất nâng tuổi hưu quá bất lợi cho NLĐ, nhất là CN trực tiếp sản xuất. "Về thể trạng, người Việt Nam không thể so sánh cùng người nước ngoài. Về chăm sóc sức khỏe y tế, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống… ở Việt Nam cũng còn kém so với các nước. Vì thế, tôi nghĩ nếu có tăng tuổi hưu nên tăng ở các ngành nghiên cứu hoặc làm việc trí óc: bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia... Còn lao động chân tay; CN ở các ngành dệt, may, da giày, chế biến thủy sản, cơ khí... có thể giữ nguyên hoặc cho về hưu trước tuổi. Ở các ngành lao động phổ thông, lao động trực tiếp, nữ 50 tuổi, nam 55 tuổi năng suất đã giảm, muốn làm đến tuổi hưu cũng khó vì chủ doanh nghiệp không muốn giữ. Vì thế, CN nữ trực tiếp sản xuất không thể nào làm nổi đến 60 tuổi. Tương tự, không CN nam nào có thể làm đến 62 tuổi để lãnh lương hưu" - chị Hoài bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo