Đề xuất tăng hạn mức tiền bảo hiểm lên mức 4-5 lần GDP/người
(tienphong) Vào thời điểm năm 2005, mức này tương đương gần 5 lần GDP bình quân đầu người và có thể bảo vệ 90% người gửi tiền. Nhưng các yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức bảo hiểm tiền gửi đang thay đổi trong những năm gần đây.
Đặc biệt CPI liên tục tăng cao trong những năm qua, với mức lạm phát bình quân trong 6 năm (2005-2011) khoảng 18%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2011 đã đạt 1.300 đôla Mỹ, tăng gần gấp đôi so với mức 700 đôla Mỹ của năm 2005. Vì vậy, tỷ lệ hạn mức trả tiền bảo hiểm trên GDP bình quân ngày càng giảm.
Đến năm 2011 chỉ còn 1,73 lần. Tỷ lệ này của Việt Nam thấp xa so với thế giới. Tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số tiền gửi cũng chỉ khoảng 15% trong khi tỷ lệ này trung bình ở các nước khoảng 40%.
Theo ông Đinh Dũng Sỹ, để bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và ổn định của hạn mức trả tiền bảo hiểm trong khoảng 5 năm tới, Chính phủ nên tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa lên mức khoảng 4-5 lần GDP bình quân đầu người (GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.300 đô la, dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2015 khoảng 2.100 đôla).
“Hạn mức bảo hiểm được xác định ở thời điểm hiện nay và cho khoảng 5 năm tới, theo chúng tôi nên ở mức khoảng 150 - 200 triệu đồng/mỗi người gửi tiền”, ông Sỹ cho biết.
Về việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm, dù Luật BHTG đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhưng đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG. Do vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn được áp dụng ở mức 50 triệu đồng như quy định.
Theo khảo sát của Hiệp hội BHTG quốc tế và Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2010 cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã khiến cho 48 nước phải tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Như Mỹ đã tăng từ 100.000 USD lên 250.000 USD, EU từ 50.000 Euro lên 100.000 Euro, trong đó 19 nước áp dụng bảo đảm toàn bộ (Đức, Áo, Thái Lan, Singapore…).
Nếu tính theo thời điểm năm 2005, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam được xác định bằng 3.100 USD. Còn theo tỷ giá hiện tại, hạn mức trả tiền bảo hiểm chỉ bằng 2.400 USD. Vì vậy, có thể thấy hạn mức 50 triệu đồng được áp dụng từ năm 2005 đã không còn phù hợp.
Một lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, cơ quan này đã báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên mức 200 triệu đồng.
Hạn mức này được xác định bằng 7,3 lần GDP bình quân đầu người năm 2011, và theo đó bảo hiểm toàn bộ cho 96,30% người gửi tiền/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm và 34,24% số tiền gửi/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Cùng đó, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên mức 1 tỷ đồng khi xảy ra những sự cố rút tiền hàng loạt trong hệ thống ngân hàng nhằm đưa ra thông điệp mạnh của Nhà nước trong việc bảo vệ đa số người gửi tiền.
Phạm Tuyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam