Đề xuất tăng thuế môi trường “kịch trần” đối với xăng dầu, than đá có phù hợp?
Khá tỏ ra thông cảm đối với nguồn thu của Nhà nước trong năm 2018 cũng như các năm tới sẽ bị giảm đi do mức thuế suất thuế của các mặt hàng nhập khẩu từ các nước đang được cắt giảm mạnh (thậm chí về 0) theo các cam kết quốc tế và khu vực, Bộ Tài chính tính toán, nguồn thất thu từ thuế nhập khẩu là tương đối lớn nên phải tìm các nguồn khác để thay thế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương không đồng tình với việc tăng thuế môi trường vào các mặt hàng xăng dầu và than đá để “bù lại”. TS Lê Đăng Doanh lý giải: Bởi vì thuế môi trường đó có phải là chính danh là thuế thu lại để bảo vệ môi trường hay không? Hay là việc đánh thuế môi trường vào xăng dầu là rất dễ thu bởi nó sẵn sàng và dồi dào, dễ bù vào cho các khoản chi khác… Nhưng thuế đánh vào xăng dầu làm cho giá xăng tăng lên thì lúc bấy giờ giá mớ rau, giá quả trứng… đều tăng lên cả và cuối cùng người dân phải gánh chịu và nó sẽ làm tăng lạm phát.. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt đối với mặt hàng của các nước nhập khẩu vào có thuế suất bằng 0.
Đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia trong việc tăng thu thuế môi trường đối với xăng, dầu sẽ kéo theo giá xăng, dầu tăng lên, tác động tới thị trường, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng tăng, nguy cơ lạm phát. PGS, TS Ngô Trí Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính) còn cho rằng, cần phải phân tích kỹ những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra liệu có thuyết phục không. Không thể sử dụng cách làm cân đối ngân sách dễ nhất của Bộ Tài Chính là tăng thu, và cụ thể là thu thuế để giảm bội chi. TS Ngô Trí Long khẳng định, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để tái cơ cấu ngân sách (cụ thể đối với các hoạt động cả thu, cả chi từ ngân sách) thì có tăng thu cũng không giải quyết được cái gốc của vấn đề, đó còn chưa kể những tác động xấu đến cả nền kinh tế cũng như an sinh xã hội. Việc bội chi không phải do thu thuế thấp.. mà do chi lớn, thất thu.. vì vậy phải tìm cách tăng thu các nguồn đang bị thất thoát.. Việc tăng thuế đối với xăng dầu sẽ làm cho giá cả tăng, CPI tăng… tăng thuế đối với than trong bối cảnh hiện nay cũng phải tính toán kỹ khi mà ngành than năm ngoái còn tồn kho lớn đang cần tháo gỡ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay một ngành mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của một vùng, của nhiều người lao động hầm lò. Trong khi hiện nay, khai thác than xuống sâu chi phí tăng, tồn kho lớn. Cho nên, việc tính toán thời điểm để thu cũng hết sức quan trọng. Ông nhấn mạnh.
Vấn đề được các chuyên gia mổ xẻ nhiều nhất, đó là việc thu thuế môi trường, nhưng liệu có chi để tái thiết môi trường hay không?
Theo TS Phạm Quang Tú - nguyên Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cần nhìn nhận tính đúng đắn đối với việc “dự kiến tăng thu đối với thuế môi trường” của xăng dầu và tài nguyên khoáng sản (cụ thể ở đây là tài nguyên than). Thứ nhất, việc tăng cường các nguồn lực để bảo vệ môi trường là đúng. Và thứ 2, những doanh nghiệp, cá nhân… có trách nhiệm đền bù những thiệt hại gây ra cho môi trường (cụ thể, trong quá trình khai thác than, sử dụng xăng dầu, đốt nhiên liệu phát ra khí thải độc hại…). Tuy nhiên, cũng có 2 vấn đề lớn cần phải giải quyết, đó là số thu thuế từ nguồn thu môi trường sẽ được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì ? Thực sự nó có được chi sử dụng cho mục đích môi trường hay không hay là chi cho các mục đích khác? Thứ 2 là phải cân nhắc, tính toán đến khả năng chi trả của người dân cũng như sức chịu đựng của mền kinh tế. TS Phạm Quang Tú nêu quan điểm: Bộ tài chính cần giải thích rõ ràng rằng khi tăng thuế lên thì nguồn đó được sử dụng như thế nào. Hiện nay, trong nguồn quỹ về bảo vệ môi trường cũng tương đối lớn, thậm chí sử dụng chưa hết. Do vậy, phải rà soát lại, cân đối lại. Nếu tăng thêm thì tăng thêm như thế nào, thu thì sử dụng như thế nào? Tạo nên sức ép đối với tiêu dùng đối với mặt hàng này vì tăng thuế thì giá thành, giá bán sản phẩm sẽ tăng lên. Trong bối cảnh như vậy theo tôi là chưa phù hợp. Cần cân nhắc việc tăng thu thuế nói chung, thuế môi trường nói riêng.
Nhân việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường lên “kịch trần” đối với các mặt hàng xăng dầu, than đá… GS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội nói về thuế cũng như các tác động của thuế đối với kinh tế, xã hội rằng: Bản chất của thuế là định hướng và hướng dẫn tiêu dùng. Nhưng quan trọng hơn nữa, thuế còn là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Mục đích chính yếu nhất của thuế, cuối cùng phải là phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, khi đưa ra một loại thuế, hay đối tượng chịu thuế phải tính tới những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và cân đối nó trong các mối quan hệ tổng thể khác, không chỉ thuần túy vấn đề giá trị, hay tăng thu ngân sách… mà còn là công ăn việc làm của các ngành kinh tế đi theo cũng như các tác động tới sản xuất, tiêu dùng… Quan trọng là phải tính toán tới việc, liệu có tiếp tục duy trì các nguồn thu ấy lâu dài được không? Hay thu trước mắt mà làm tổn hại đến lâu dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc hơn 2%?
Nhận diện động lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Giá ngoại tệ ngày 12/11/2024: USD tiếp tục tăng
Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo người tiêu dùng
Giá nông sản ngày 12/11/2024: Cà phê, hồ tiêu giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 12/11/2024: Duy trì mức giá cao trên toàn quốc