Đề xuất thu phí mới của bộ Giao thông Vận tải sai với pháp lệnh?
Không cấp dịch vụ cũng thu phí
Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, tại Điều 2, giải thích: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Trước hết, xem trong danh mục phí mà pháp lệnh trên đề cập, không hề có phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí vào nội đô. Ở điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét bổ sung.
“Tuy nhiên, xét ở khía cạnh phí mà Điều 2 đề cập, thì đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải sai về bản chất. Vì ở đây Nhà nước không hề cung cấp dịch vụ gì, mà chỉ đưa ra lệnh hạn chế bằng cách thu tiền. Như vậy thì không thể thu phí theo Pháp lệnh Phí và lệ phí. Muốn thu phải ban hành một văn bản pháp luật khác”, một luật gia phân tích.
Giải trình với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên mức thu phí hạn chế phương tiện cá nhân: Áp dụng mức thu phí đối với ô tô từ 20 triệu đồng/năm đến 50 triệu đồng/năm; thu mô tô từ 500.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm. Theo tính toán, số lượng ô tô cá nhân bị tác động từ chính sách trên là hơn 612 ngàn xe. Riêng ô tô của cơ quan nhà nước được miễn. |
Giải trình vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ tạo hiệu ứng tốt cho việc giảm lượng phương tiện cá nhân, tăng việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giảm ùn tắc giao thông.
Hai loại phí này không mang tính hoàn trả trực tiếp như quy định tại Pháp lệnh Phí và lệ phí. Người nộp phí được hưởng dịch vụ tốt hơn thông qua việc lưu thông trên đường thông thoáng hơn, tiết kiệm thời gian, giảm nhiên liệu tiêu hao...
Cũng theo luật gia trên, ai đảm bảo thu phí rồi dịch vụ sẽ tốt hơn, đường sá sẽ thông thoáng hơn, trong khi vấn đề giải quyết ùn tắc, tổ chức giao thông là trách nhiệm của chính quyền.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: “Giao thông Hà Nội hình bàn cờ (trong khi các nước là hướng tâm) nên cần nghiên cứu cẩn thận để lắp đặt trạm thu thông minh nếu không sẽ gây ùn tắc tại điểm thu phí. Còn nói thu phí sẽ giảm ùn tắc, giao thông tốt hơn...thì chưa chắc, vì cũng từng ấy phương tiện lưu thông trên đường.
Thế nhưng nói tổ chức giao thông tốt là trách nhiệm nhà nước cũng không đúng, của cả xã hội chứ. Người dân đi đường cũng cần nêu cao ý thức”. Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp nói : “Không có tiền thì không có hạ tầng. Đó là câu chuyện con gà-quả trứng”.
Đau đầu với phí bảo trì đường bộ
Sáng 23/3, khoảng 100 doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đã họp và thống nhất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền liên quan về một loại phí khác: Phí bảo trì đường bộ. Theo người đứng đầu hiệp hội Nguyễn Mạnh Hùng, cần thu một cách có lộ trình từ thấp đến cao (so với mức đề xuất hiện tại của Bộ Giao thông Vận tải), vì doanh nghiệp vận tải đang khó khăn. Hiện cả nước còn 19 trạm thu phí đường bộ cần xoá bỏ như lộ trình công bố, các trạm bán thương quyền nếu hết hợp đồng nên dẹp bỏ, còn các trạm thu phí BOT, khi thu cần tách phí bảo trì đường bộ khỏi vé (vì đã nộp qua mỗi lần đăng kiểm) để tránh phí chồng phí.
Phí giao thông trên thế giới -Việc thu phí lưu hành xe tải được Đức áp dụng từ tháng 1-2005, với mức phí 0,09-0,14 euro (2.500-3.900 đồng)/km, tùy mức phát thải của xe và số lượng trục xe. Áo áp dụng việc thu phí tương tự (nhưng với công nghệ đơn giản hơn) từ năm 2004. -Từ năm 2003, thủ đô London của Anh thu phí xe vào khu trung tâm (năm 2007 bổ sung khu phía tây). Mức phí ban đầu là 5 bảng (165.000 đồng), sau đó tăng dần, chủ xe phải trả; nếu không trả sẽ bị phạt ít nhất 50 bảng (1.650.000 đồng). Anh dự định thu phí đối với tất cả xe đăng ký trong nước, kể từ 2013. Mức phí dự kiến được tính theo số kilômét mà xe đi trên đường, dao động tùy theo thời gian, loại đường và loại xe. -Mỹ bắt đầu áp dụng thu phí tắc nghẽn cầu đường vào năm 1995 ở bang California. Hiện nay, chính sách áp dụng phổ biến ở nhiều đường cao tốc, cầu, hầm là cho phép người dùng xe chở 1 người sử dụng làn đường dành cho xe chở nhiều người nếu họ trả phí. Nếu đi trên làn đường đông đúc bên cạnh thì vẫn được miễn phí. -Singapore: Bất kỳ ai muốn mua ôtô hoặc môtô phải tham gia đấu giá để có được giấy phép lưu hành. Phí đăng ký xe là 1.000 USD (xe tư) và 5.000 USD (xe công ty). Khi xe được đăng ký lần đầu, chủ xe phải nộp thêm phụ phí. Thái An (tổng hợp) |
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo