Tin tức - Sự kiện

Đêm “không ngủ” của Sa Pa

Tối 9/1, rạng sáng 10/1, Sa Pa lại có tuyết rơi ở Ô Quý Hồ, Trạm Tôn và khu vực đường lên đỉnh Phan Xi Păng. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này được du khách háo hức trông đợi, nhưng lại là nỗi lo của bà con nơi đây. Người dân Sa Pa và du khách thập phương cùng chung một đêm “không ngủ”.

Hứng khởi được ngắm tuyết rơi

 

Từ đầu mùa rét đến nay, lượng khách du lịch đến với Sa Pa tăng mạnh, một phần vì đợt nghỉ Tết Dương lịch kéo dài, đường giao thông từ Hà Nội lên Lào Cai thuận lợi và quan trọng hơn, du khách mong một lần đến với Sa Pa, để tận mắt được ngắm tuyết rơi. Rất nhiều du khách đến với Sa Pa vào dịp này cùng chung tâm trạng như vậy.

 

Khách du lịch háo hức ghi lại khoảnh khắc tuyết rơi.
 

Anh Nguyễn Xuân Trường đến từ Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết: Từ đầu mùa rét, tôi cùng gia đình theo dõi rất sát tình hình thời tiết ở Sa Pa và có kế hoạch sẵn sàng lên đường khi biết thông tin có tuyết. Mấy hôm gần đây, khi nghe dự báo, có thể Sa Pa sẽ có tuyết, gia đình tôi đã đến đây từ sáng 9/1. Và không ngờ, đến tối thì được chiêm ngưỡng, thật thỏa lòng mong ước.

 

Cùng chung cảm xúc như gia đình anh Trường, vợ chồng anh Đinh Thanh Sơn ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cũng ngập tràn hạnh phúc, ngỡ ngàng khi đến Sa Pa vào đúng dịp tuyết rơi. Với đôi vợ chồng mới cưới này, đây là tuần trăng mật thật tuyệt vời và ý nghĩa.

 

Có rất nhiều du khách đã lưu trú mấy ngày nay để “đợi” tuyết. Mặc dù, tuyết rơi,  kèm theo mưa lạnh nhưng cũng không ngăn được sự háo hức của họ. Với họ, đây là dịp may hiếm có, để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên. 21 giờ, gia đình anh Trường vẫn đi bộ hàng cây số từ Thác Bạc lên đến đỉnh đèo Hoàng Liên để được đón đợt tuyết rơi đầu tiên. Đoạn đường từ Thác Bạc lên Trạm Tôn tắc nghẽn, bởi người, xe từ khắp nơi nườm nượp đổ về.

 

Chị Trần Thị Nga, ở khu vực Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa, không khỏi ngạc nhiên về sự “đông vui” của con đường dọc khu vực mình sinh sống: Đường chật kín người, cứ như là lễ hội vậy. Người già, thanh niên, trẻ nhỏ vui đùa trong tuyết....

 

Thực sự, những vị khách có mặt ở Sa Pa dịp này đã có một đêm “không ngủ” cùng “bữa tiệc” tuyết.

 

Nỗi lo mất mùa vì mưa tuyết được giảm thiểu

 

Niềm vui, sự háo hức của du khách khi thưởng thức “bữa tiệc” tuyết, lại là nỗi lo mất mùa của bà con.

 

Đây không phải là lần đầu Sa Pa có tuyết rơi. Thực tế, hơn chục năm nay, hiện tượng thời tiết này diễn ra thường xuyên và mấy năm gần đây, cường độ và lưu lượng tuyết ngày càng gia tăng.

 

Do vậy, sự kiện tuyết rơi vào ngày 9 - 10/1, đối với những người dân gắn bó với mảnh đất Sa Pa thì không có gì ngạc nhiên. Trước khi vào mùa rét, người dân đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo và hướng dẫn cách phòng, chống, ứng phó với hiện tượng thời tiết này, đặc biệt là ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng và vật nuôi.

 

Kinh nghiệm được rút ra từ những đợt tuyết năm trước, đó là thực hiện dự trữ thức ăn cho gia súc, che chắn kín nhà ở, chuồng trại, chuẩn bị nước tưới cho rau, màu khi bị tuyết phủ…

 

Nhờ chủ động đối phó, diện tích cây trồng bị thiệt hại đã được giảm bớt.
 

Theo người dân, trận tuyết năm nay, được đánh giá là nhẹ hơn so với 2 trận tuyết xảy ra tháng 12/2013 và tháng 1/2014, bởi thời gian diễn ra ngắn hơn, lượng tuyết cũng không nhiều, tuy nhiên cũng gây bất lợi cho cây trồng và vật nuôi.

 

Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Phạm Công Tiến, ở khu vực Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa khi ông đang tất bật chuẩn bị thức ăn và che chắn thêm cho chuồng trại đàn gia súc. Theo ông Tiến, mặc dù đã chuẩn bị phương án giữ ấm cho đàn gia súc, nhưng ông và các hộ dân vẫn không khỏi lo lắng về sự khắc nghiệt của thời tiết, bởi thiệt hại do tuyết gây ra từ những năm trước quá lớn.

 

Vì vậy, ngay khi nhiệt độ xuống thấp, dự báo có thể có tuyết, ông và các hộ trong khu đã túc trực ngày, đêm bên đàn gia súc, tìm mọi cách để giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đối với vật nuôi. Đặc biệt, khi tuyết rơi, hai bố con ông thay nhau che chắn, đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc.

 

Tại gia đình nhà ông Bùi Văn Huệ, ở khu vực Ô Quý Hồ, dù đã ngừng rơi gần chục giờ đồng hồ, nhưng tuyết vẫn phủ trắng. Ông Huệ đang cùng mọi người khắc phục ảnh hưởng của tuyết đối với diện tích rau, màu. Biện pháp mà ông Huệ cũng như những người dân nhanh chóng áp dụng là làm tan tuyết trên những cây rau, bằng cách phun nước trực tiếp. Ông Huệ cho biết: Nếu như để rau bị vùi trong tuyết quá lâu, rau sẽ bị úng nước, gây rũa lá, thối rễ.

 

Không chỉ người dân ở khu vực Ô Quý Hồ mới lo ứng phó với hiện tượng tuyết rơi, ngay ở khu vực trung tâm thị trấn và các xã hạ huyện, nỗi lo cũng thường trực. Chị Nguyễn Thị Hiền, phố Cầu Mây, thị trấn Sa Pa cũng có một đêm “không ngủ” với hơn trăm chậu hoa lan. Ngay khi Ô Quý Hồ có tuyết rơi, chị cùng mọi người trong gia đình đã thức suốt đêm, thắp điện, sưởi ấm cho vườn hoa lan, đồng thời che chắn thêm cho các chậu hoa lan.

 

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện, khu vực có tuyết rơi, chủ yếu trồng su su. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch sớm, cắt, rút dây khỏi giàn cách đây gần 1 tháng, nên su su bị thiệt hại do mưa tuyết gần như không có. 100 ha hoa cắt cành, chủ yếu là hoa hồng đã được thu hoạch, các loại hoa chuẩn bị cho vụ tết như hoa lan, hoa ly, được trồng trong nhà lưới, che chắn giữ ấm đầy đủ, nên không bị ảnh hưởng.

 

Với đàn vật nuôi, chủ yếu là đàn gia súc, từ đầu mùa rét, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng và chính quyền các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con phòng, chống rét, trong đó tăng cường dự trữ thức ăn và che chắn chuồng trại.

 

Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho biết: Công tác dự phòng, ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan được huyện đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn đã đến các xã, thôn, bản để nắm địa bàn, kịp thời hướng dẫn người dân linh hoạt ứng phó khi thời tiết bất thường xảy ra. Do đó, người dân đã tích cực, chủ động hơn trong việc bảo vệ rau, màu và đàn vật nuôi, hạn chế tới mực thấp nhất thiệt hại.

 

Tuyết rơi. Sa Pa có một đêm “không ngủ”, mang lại cho du khách cơ hội để tận mắt chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, song đó lại là sự lo âu, thấp thỏm của người dân nơi đây. Đó cũng là lẽ tự nhiên trên vùng đất du lịch này mỗi khi có tuyết rơi.

 

Theo Báo Lào Cai
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo