Tin tức - Sự kiện

Đến 2020, Hà Nội sẽ giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện

Bộ Y tế tin tưởng rằng, mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hoàn thành chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân của ngành Y tế Thủ đô đến năm 2020 sẽ đạt được.

 Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã và đang là một trong những trung tâm y tế quan trọng của đất nước, tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố thực tế hiện nay như đòi hỏi về phát triển kinh tế xã hội, sức ép về gia tăng dân số, của quá trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng, dẫn tới có nhiều biến động và thay đổi về điều kiện, yêu cầu phát triển.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên về sự thay đổi, phát triển của ngành Y tế Thủ đô và quy hoạch phát triển hệ thống y tế thành phố đến năm 2020.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị XuyênXin Thứ trưởng cho biết đánh giá của mình về sự phát triển trong lĩnh vực y tế của Hà Nội hiện nay?Sự phát triển này đã thực sự đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân chưa?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Hà Nội là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Ngoài tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô thì công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân có một vị trí hết sức to lớn và quan trọng.
 
Ngày 9/10/1954, Chủ tịch Ủy ban quân chính TP Hà Nội đã ký Quyết định số 04 thành lập Sở Y tế Hà Nội. Cán bộ y tế trong thời gian này chỉ có chưa đầy 20 y bác sĩ và một số dược sĩ trung cấp, y tá, dược tá. Lúc đó Sở Y tế Hà Nội không hề có bệnh viện, mãi đến năm 1957 Bệnh viện Bích Câu mới được thành lập (trên cơ sở Trại tế bần 35 Đoàn Thị Điểm) với 40 giường bệnh chủ yếu làm nhiệm vụ cấp cứu, sơ cứu, khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân Thủ đô.
 
Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho khoảng 7 triệu dân của thành phố và nhân dân các tỉnh, thành khác trong cả nước:
 
Hiện nay, mạng lưới y tế của Hà Nội đã và đang phát triển vượt bậc, có 91 đơn vị trực thuộc bao gồm 41 bệnh viện, 30 Trung tâm y tế quận, huyện và 20 trung tâm chuyên khoa...; 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh, 52 phòng khám đa khoa với gần 18.000 cán bộ, nhân viên y tế và người lao động, trong đó có nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, BS chuyên khoa II, Bác sỹ chuyên khoa I. Mạng lưới cơ sở y tế của Thủ đô đã ngày phát triển và gần dân, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách tốt nhất.
 
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại cho các cơ sở y tế bằng nhiều nguồn đầu tư. Các bệnh viện tuyến huyện đều được trang bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao như: máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm 4 chiều, máy phẫu thuật nội soi, các hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động... Các bệnh viện tuyến thành phố được đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-Scan 64 lát, hệ thống X quang chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống, hệ thống máy Xquang kỹ thuật số 500mA, máy nội soi phế quản…..
 
Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới đã được các bệnh viện của Hà Nội thực hiện thành công như: phẫu thuật thần kinh sọ não, chấn thương chỉnh hình, mở rộng phẫu thuật nội soi, nội soi nút động mạch gan chọn lọc, ứng dụng công nghệ gen điều trị ung thư; mổ tim cho trẻ nhẹ cân, thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật di truyền học và sinh học phân tử...
 
Đặc biệt, ngành y tế Thủ đô đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận (04 ca) tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, thành công này là tiền đề để ngành y tế tiến tới ghép gan, ghép tế bào gốc vào năm 2015.
 
Hà Nội là một trong 02 trung tâm y tế có qui mô lớn nhất nước, tập trung nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, là nơi có mật độ các cơ sở y tế công lập dày đặc nhất trong cả nước với mạng lưới các cơ sở y tế được phân bố rộng khắp theo lãnh thổ và theo phân tuyến kỹ thuật. Các bệnh viện nhất là các bệnh viện chuyên khoa có kỹ thuật cao chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. 
 
Về y tế dự phòng và an toàn thực phẩm: trong những năm qua, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch tại cộng đồng, không để dịch bệnh lan rộng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng luôn đạt trên 99%.Trong thời gian qua, đã không có các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.
 
Tuy mạng lưới y tế của Hà Nội phát triển nhưng cũng còn khó khăn: Phần lớn các BV tại Hà Nội có qui mô diện tích nhỏ và rất nhỏ, diện tích trung bình còn thiếu so với tiêu chuẩn quy định 100 m2/giường bệnh. Các dự án BV tư nhân chủ yếu tập trung vào các khu vực phát triển mở rộng của đô thị trung tâm như Từ Liêm, Hà Đông… Hầu hết các huyện xa trung tâm Hà Nội chưa được các nhà đầu tư chú ý. Số lượng các Bệnh viện tư nhân còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu phục vụ 20-30% nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân Thủ đô.  
 
Theo Thứ trưởng, ngành y tế Hà Nội cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì để giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân hiện nay?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Ngành Y tế HN cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ viên chức từ nhân viên đến cán bộ lãnh đạo để họ nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước sinh mệnh, sức khỏe của người bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế làm hài lòng người bệnh.
 
Song song đó, ngành cần cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm qui chế dân chủ ở cơ sở và công khai minh bạch các hoạt động như qui chế về chuyên môn, giá dịch vụ y tế tại các đơn vị.
 
Đồng thời, ngành Y tế HN cũng cần phải rà soát các Đề án xã hội hóa, đánh giá hiệu quả hoạt động; hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế, qui trình bảo quản và sử dụng vaccine trong ngành.
 
Triển khai hiệu quả các Đề án, Dự án phát triển y tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình… Các đề án giảm tải Bệnh viện; Làm tốt công tác hợp tác phát triển y tế với các tổ chức quốc tế và các tỉnh bạn.
 
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện nghiêm quy định của Pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 02/5/2013 của Thành phố; tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và có biện pháp cụ thể phòng ngừa, không để các vi phạm tái diễn.
 
Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, hành nghề y dược tư nhân; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế tham gia hành nghề y dược tư nhân, đồng thời huy động sự tham gia của nhân dân trong việc phát hiện, thông tin kịp thời các cơ sở hành nghề y, dược không phép, không hiệu quả, không minh bạch để xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
 
Ngành cũng cần phải tập trung phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới vào các lĩnh vực trọng tâm như: ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất các mô hình, giải pháp phòng chống và điều trị các bệnh dịch nguy hiểm phổ biến ở Hà Nội; nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao…
 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tiếp dân, xem xét xử lý sớm và dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận ngay từ các đơn vị; rà soát, xem xét xử lý các vụ việc kéo dài trong ngành…
 
Theo “Quy hoạch phát triển hệ thống y tế TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030”, Hà Nội sẽ phát triển và mở rộng mạng lưới các bệnh viện tư nhân, đồng thời phát triển loại hình bệnh viện 100% vốn nước ngoài.
 
Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu này có thể giải quyết được sự quá tải trong các bệnh viện của Hà Nội hiện nay như thế nào?.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Theo Quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới Bệnh viện tư nhân gồm: 4.000 – 6.000 giường bệnh tư nhân với diện tích đất là 30-60ha, tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng.
 
Hiện nay, bên cạnh 29 bệnh viện tư nhân với 1.048 giường bệnh, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt Sở Y tế và các Sở Ngành liên quan triển khai 18 dự án đã được UBND Thành phố giao đất với trên 2.000 giường bệnh. Các dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2016-2020.
 
Tôi tin rằng, với quá trình đầu tư phát triển Bệnh viện công lập và ngoài công lập, cùng các giải pháp giảm tải Bệnh viện của Thủ đô, mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hoàn thành chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân của ngành Y tế Thủ đô đến năm 2020 sẽ đạt được.
 
Để Hà Nội thực sự là trung tâm y tế lớn của cả nước, Bộ Y tế đã và sẽ có sự chỉ đạo, hỗ trợ như thế nào đối với ngành y tế của Thủ đô nhằm đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết các tổ hợp y tế và tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời phối hợp đầu tư và triển khai xây dựng các Trung tâm y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố, đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện có, chỉ đạo di dời, xây dựng cơ sở 2 của các đơn vị y tế Trung ương theo Quy hoạch lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố.
 
Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho ngành y tế Hà Nội trong việc đầu tư xây dựng mới một số bệnh viện theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 bằng nguồn ODA, Trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội.
 
Khuyến khích việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh trong nhân dân, trong đó có hình thức chăm sóc sức khỏe tại gia đình.
 
Cần có những định hướng, hỗ trợ về mặt pháp lý về mở rộng hơn nữa mạng lưới y dược tư nhân, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển các cơ sở y tế, dịch vụ chuyên sâu, kỹ thuật cao dưới mọi hình thức và quy mô thích hợp.
 
Đổi mới công tác quản lý ngân sách y tế, có cơ chế quản lý thích hợp để địa phương có điều kiện tập trung ngân sách cho các nhiệm vụ trọng tâm của ngành như tăng cường, củng cố phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật. Đặc biệt với các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM khả năng huy động nguồn vốn xã hội cao thì cần có cơ chế quản lý mở để phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương.
 
Chú trọng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, về đội ngũ nhân lực cho hoạt động y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chỉ có vậy, hoạt động của ngành y tế nói chung mới đối phó kịp thời với các loại bệnh dịch lây lan và những vấn đề ô nhiễm có ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, đến sức khỏe của người dân.
 
Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và đào tạo cán bộ chuyên sâu giữa hệ thống bệnh viện Trung ương, các cơ sở nghiên cứu y học trên địa bàn Hà Nội với Y tế Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 
Theo Chinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo