Thị trường

Đến lúc phải xếp hàng bán nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch thường trực VAMC cho biết, đã có ít nhất 10 TCTD đang "xếp hàng" để bán nợ cho VAMC, trong đó có 4 TCTD nợ xấu dưới 3%.

"Xếp hàng" bán nợ xấu

 
Thương vụ mua bán nợ đầu tiên trị giá 1.723 tỷ đồng được Agribank bán lại cho VAMC trong đợt I của 11 khách hàng doanh nghiệp (tổng dư nợ gốc là 2.534 tỷ đồng) đã mở ra nhiều hứa hẹn cho quá trình mua bán nợ xấu của VAMC trong tương lai. Với phần trái phiếu đặc biệt Agribank nhận lại từ VAMC, ngân hàng này sẽ dùng để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tính toán của Agribank cho thấy, bán 1.723 tỷ đồng nợ xấu trong đợt I cho VAMC nhà băng này đã giảm được 7,56% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Các đợt bán nợ xấu tiếp theo của Agribank dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong tháng 10 này.
 
Không "ế" như lo ngại ban đầu, sau hợp đồng đầu tiên được ký kết, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch thường trực VAMC cho biết, đã có ít nhất 10 TCTD đang "xếp hàng" để bán nợ cho VAMC, trong đó có 4 TCTD nợ xấu dưới 3%.
 
Lãnh đạo VAMC cho hay, tất cả số hồ sơ bán nợ của 10 TCTD trên đã được VAMC tiếp nhận và kiểm tra. Tuy nhiên, trước mắt cơ quan này sẽ ưu tiên mua trước những khoản nợ trên 3%.
 
Đơn cử, ngay trong tuần này VAMC sẽ mua tiếp nợ của một số nhà băng như SCB và PGBank. Theo tiết lộ của Phó Chủ tịch thường trực VAMC với Infonet, trị giá mỗi hợp đồng đều trên 1 tỷ đồng. Riêng với trường hợp của SHB – nhà băng có tỷ lệ nợ xấu "khủng" tới 9%, tuy đã chuyển hồ sơ tới VAMC nhưng chưa đầy đủ, nên VAMC sẽ rà soát, xem xét mua một số khoản nợ đáp ứng yêu cầu. Ông Hùng cũng cho biết, các khoản nợ của ngân hàng này có giá trị không nhiều nhưng mất nhiều thời gian để thẩm định.
 
"Chúng tôi đang khẩn trương kiểm tra hồ sơ và xúc tiến các công việc liên quan để trong tuần đầu tiên của tháng 10 có thể ký thêm hợp đồng mua nợ với SCB và PGBank" – ông Hùng nói và dự tính, từ nay tới hết tháng 10 VAMC sẽ xử lý được khoảng 10 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Mức lãi suất của trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành cũng được đưa ra ở mức hợp lý, tối thiểu là 2% nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các TCTD.
 
Về mục tiêu xử lý 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu, ông Hùng tự tin, chắc chắn VAMC sẽ mua được tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD từ nay tới cuối năm, còn mục tiêu mua tối đa thì "càng nhiều càng tốt".
 
"Đầu ra " của nợ sẽ đi về đâu?
 
Cho rằng, nợ xấu là "nỗi ám ảnh của nền kinh tế Việt Nam" chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam ông Dominic Mellor băn khoăn về "đầu ra" của các khoản nợ xấu khi đã bán cho VAMC. Ông Dominic nhấn mạnh tới bài toán xử lý tài sản đảm bảo (nhà cửa, đất đai...) sau khi các khoản nợ được bán cho VAMC. Cơ chế đấu giá các khoản nợ xấu hiện nay đã có rồi nhưng định giá thế nào để khoản nợ có giá sát thị trường nhất lại chưa được đề cập cụ thể. "Khoản nợ định giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường mới hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại" – ông Dominic Mellor nói và nhấn mạnh, NHNN cần xem xét và đưa ra khung pháp lý rõ ràng hơn.
 
Cũng dưới góc nhìn của một chuyên gia quốc tế, ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của WB tại Việt Nam thẳng thắn, Việt Nam sẽ khó giải quyết nợ xấu triệt để nếu làm theo cách "nợ xấu chuyển từ kho của NHTM sang kho của VAMC và vẫn nằm đó không nhúc nhích".
 
Theo ông, Việt Nam nên bán nợ cho nhà đầu tư ngoại và cân nhắc đưa ra cơ chế riêng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể mua và sở hữu tài sản là bất động sản trong vòng 10 năm như Chính phủ Thái Lan đã làm
 
"Khi tham gia thương vụ nào đó nhà đầu tư phải biết mua để làm gì, xử lý tài sản đó ra sao để thu được ít nhiều lợi nhuận. Không ai bỏ tiền ra đầu tư nếu họ không nhìn thấy khoản lời thu được. Phần lợi nhuận thu được, nhà đầu tư mua nợ được phép chuyển về nước nếu kinh doanh có lãi" – ông Sameer bật mí.
 
Lãnh đạo VAMC thì quả quyết, nợ xấu sau khi được VAMC mua về không phải sẽ để đấy mà VAMC sẽ thực hiện phân loại nợ, cơ cấu lại nợ và chờ cơ hội để bán lại với giá tốt nhất. mạnh.
Theo Infornet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo