Dệt may và câu chuyện dài mang tên nội địa hóa
(dautu) 6,578 tỷ USD là kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong nửa đầu năm 2013. Mức nhập khẩu này, theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó riêng nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu là 5,378 tỷ USD, tăng 21,1%.
Cụ thể, nhập khẩu bông là 595 triệu USD, tăng 33,7%; xơ sợi các loại là 741 triệu USD; vải 4.052 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may 1.191 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may là 7,98 tỷ USD, tăng 16,8%.
Cân đối giữa xuất và nhập khẩu của ngành dệt may thông qua những số liệu kể trên cho thấy, dù xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng khoảng cách giữa nhập và xuất khẩu vẫn khá sít sao.
Nguyên phụ liệu chính phục vụ làm hàng may mặc xuất khẩu lẫn nội địa (bông, xơ sợi, vải, cúc, chỉ may…) được nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngoại trừ bông, nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Australia, hầu hết các mặt hàng còn lại (xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu các loại) đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Tổng thư ký Vitas cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp vải, xơ sợi , phụ liệu chủ lực cho ngành dệt may. Lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm cao đã làm cho tỷ trọng và giá trị gia tăng của ngành đạt mức thấp, chưa kể khi giá nguyên liệu thế giới có biến động, đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo bà Dung, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 5 của thế giới, nhưng lại là quốc gia mới gia nhập chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm dệt may toàn cầu.
Bà Dung cho rằng, nếu tình trạng bị động về nguyên phụ liệu, phụ thuộc vào một số thị trường cung cấp chủ lực kéo dài, thì ngành dệt may sẽ dần đuối sức cạnh tranh.
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nội địa hóa sản phẩm ngành may là vấn đề lớn, bởi để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, doanh nghiệp và ngành dệt may phải đầu tư mạnh vào sản xuất nguyên phụ liệu.
Những năm qua, dù ngành rất nỗ lực, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các dự án sản xuất xơ sợi, dệt nhuộm…, nhưng kết quả còn hạn chế, vì đầu tư vào lĩnh vực này cần nguồn lực lớn, công nghệ cao và đòi hỏi chiến lược lâu dài. Bản thân Vinatex là doanh nghiệp có vốn nhà nước, có nguồn lực đầu tư mạnh hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đang nỗ lực đầu tư tổng lực để hình thành được tổ hợp sợi, dệt, nhuộm lớn có khả năng đáp ứng được nguyên phụ liệu tại chỗ.
Vốn đầu tư thấp cùng với nguồn lao động dồi dào là hai yếu tố quan trọng nhất khiến nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất hàng dệt may.
Tuy nhiên, ngược lại với xu hướng đầu tư vào lĩnh vực may, do chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn lâu cùng các tiên lượng khó khăn về tiêu thụ sản phẩm khi phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường có ngành dệt nhuộm phát triển lâu đời, như Trung Quốc, Hàn Quốc…, nên bất chấp những mời gọi, những năm qua, có rất ít nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các ngành sợi, dệt, nhuộm. Đầu tư vào dệt nhuộm, vì vậy tỏ ra kém hấp dẫn so với đầu tư vào sản xuất sơ sợi, đặc biệt là may mặc.
Hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công thành phẩm tại Việt Nam, chứ không đầu tư sản xuất các loại nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành may.
Từ những tồn tại này, Bộ Công thương đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn 2030, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới là tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, sản xuất sản phẩm chiến lược sẽ tập trung vào sản xuất vải và phụ liệu may.
Lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đẩy nhanh, ngành dệt may Việt Nam sẽ khó tận dụng cơ hội giảm thuế hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, khi mà tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp. Bởi vậy, ngay cả khi có quy hoạch mới, thì nội địa hóa vẫn sẽ còn là câu chuyện dài của ngành dệt may, và một trong những vướng mắc là nhiều địa phương rất ngại cấp phép cho các dự án dệt nhuộm.
Thế Hải
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos