DHA trong thực phẩm - Có đúng như quảng cáo?
Vai trò của DHA đối với cơ thể…
DHA (Docosa-Hexaenoic-Acid), là acid béo không no cần thiết thuộc nhóm acid béo Omega-3. Những acid béo không no cần thiết này cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. DHA có vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, đó là:
DHA rất cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển trẻ sẽ có chỉ số thông minh IQ thấp. Theo một số nghiên cứu theo dõi tới khi trẻ 8 - 9 tuổi người ta thấy trẻ được bú sữa mẹ và chế độ ăn cung cấp đầy đủ DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm và tỷ lệ chậm phát triển hệ thần kinh giảm thấp hơn có ý nghĩa.
Ở người trưởng thành DHA có tác dụng giảm cholesterol toàn phần và triglyceride máu, LDL - cholesterol (cholesterol xấu) giúp dự phòng xơ vữa động mạch, bệnh nhồi máu cơ tim.
… và nhu cầu DHA của cơ thể
DHA có nhiều trong các loại thủy sản.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tổng số chất béo trong khẩu phần nên từ 15-30% năng lượng, trong đó chất béo không no có nhiều nối đôi - PUFA (omega-3, omega-6) nên có từ 3 - 7% tổng năng lượng; khoảng 0,6 -0,8g/kg thể trọng/ngày (tối đa 1,5g/kg thể trọng/ngày).
Trong đó acid béo omega-6 (linoleic acid); 40 - 60mg/kg thể trọng/ngày; tổng số acid béo nhóm omega-3: 50 - 150mg/kg/ngày, trong đó DHA nên 35 - 75mg/ngày. Tỷ số DHA:AA nên từ 1:1 tới 1:2 là thích hợp.
… tới những quảng cáo trên trời
Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế phát triển, tại thị trường Việt Nam, DHA bắt đầu được nhắc đến nhiều và gây được sự chú ý của các bậc phụ huynh. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên khỏe mạnh và thông minh vượt trội hơn người khác.
Vì vậy, hễ thấy sản phẩm nào quảng cáo có thành phần DHA thì dù có đắt mấy họ vẫn mua cho con dùng, không cần biết những công bố trên bao bì sản phẩm có đúng sự thật hay không.
Cuối tháng 12/2011, kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) về mẫu sữa bột Grow milk IQ - loại SP milk (thành phẩm 400g/gói) do Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vita (Q.Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) sản xuất đã cho thấy một kết quả bất ngờ khi không hề tìm thấy hàm lượng DHA.
Trong khi đó, trên bao bì sản phẩm sữa của công ty này đều ghi có DHA với hàm lượng 2 - 10mg/100g. Doanh nghiệp này cũng đã từng bị cơ quan chức năng phát hiện các vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và tạm giữ 780 gói sữa bột để kiểm tra chất lượng.
Trước đó, vào tháng 8/2010, Thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sau khi lấy mẫu sữa xét nghiệm tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) đã công bố kết quả nhiều mẫu sữa chất lượng kém.
Cụ thể, trong số 84 mẫu sữa xét nghiệm thì có tới 6 mẫu sữa không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng vi chất như DHA, canxi thấp hơn công bố hoặc hàm lượng chì cao hơn mức công bố.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra 19 đơn vị sản xuất kinh doanh sữa tại 8 tỉnh trên, có 26% cơ sở có vi phạm về ghi nhãn sản phẩm (nhãn ghi thêm các nội dung không có trong công bố tiêu chuẩn, ghi không đúng thành phần cấu tạo hoặc không phù hợp với bản chất của sản phẩm).
Những kết quả trên khiến không ít bà mẹ đang nuôi con và các bậc phụ huynh cảm thấy băn khoăn vì rất khó để chọn sản phẩm hay chắc chắn sản phẩm nào có DHA trong khi hiện nay trên thị trường có hàng trăm, hàng ngàn loại thực phẩm, mà chúng ta không thể kiểm tra hay xét nghiệm tất cả được.
Bổ sung DHA bằng cách nào?
Với thai nhi: Chế độ ăn trước và trong khi có thai rất quan trọng đối với tình trạng dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs) cho thai nhi. Ðặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, trung bình một ngày thai nhi cần 2,2g EFAs/ngày cho sự phát triển hệ thần kinh và mạch máu.
Các trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA bởi chúng không có khả năng chuyển tiền tố DHA từ dầu thực vật hay các thức ăn thay thế sữa mẹ khác sang DHA. Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ, vì vậy việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài tới 24 tháng là rất quan trọng.
Trong sữa mẹ từ 40 - 45 ngày sau khi sinh DHA chiếm 0,3%, AA: 0,4% và DPA: 0,2%. Trong những trường hợp đặc biệt trẻ không được bú mẹ thì phải lựa chọn các thức ăn thay thế sữa mẹ có bổ sung các acid béo nói trên.
Trước “làn sóng” thông tin về DHA trong các sản phẩm từ sữa khiến nhiều người, nhất là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, có những ngộ nhận về nó. Do vậy, cần thiết phải có quy định xử phạt quảng cáo không đúng, sai sự thật và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
DHA có nhiều trong các loại thực phẩm thông dụng như: Cá hồi, cá thu, cá đối đỏ, cá mòi và cá biển da xanh, lòng đỏ trứng, tảo biển và các loại tim, gan, não, thận của động vật. Một bữa ăn với các loại thực phẩm trên vừa có thể bổ sung DHA cho cơ thể vừa có thể tiết kiệm ngân sách gia đình.
Theo SK&ĐS
End of content
Không có tin nào tiếp theo