Tin tức - Sự kiện

Đi bơi mùa hè: Đổ bệnh vì quá tải

Số lượng khách bơi quá tải, môi trường vệ sinh không đạt, thiếu phương tiện cấp cứu, lượng clo trong nước vượt ngưỡng cho phép… là điểm chung của nhiều bể bơi Hà Nội. Mùa hè năm nay, liệu những tồn tại này có được khắc phục?

* Năm nào cũng có trường hợp tử vong

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông, vào những ngày nắng nóng, tất cả các bể bơi trên địa bàn đều quá tải, như thế rất khó  kiểm soát được chất lượng nước?

 

- Qua những đợt kiểm tra, hầu hết các bể bơi đều quá tải, tuy nhiên, điều này rất khó xử lý, vì bể bơi được kinh doanh theo mùa. Trung bình một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200 - 300 khách/ngày. Khi quá tải, chắc chắn chất lượng nước không đảm bảo.

 

Điều này gây nhiều hậu quả, trong đó tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như da liễu, tiêu chảy, niêm mạc mắt… Theo quy định, các bể bơi phải trang bị máy chích clo, đảm bảo lượng clo trong nước luôn ổn định. Nhưng thực tế, các bể thường cho hàm lượng clo lớn hơn cho phép (0,7mg/lít), trong khi theo quy định là 0,3 - 0,5mg/lít.

 

Vậy năm nay, những vấn đề tồn tại ở bể bơi như môi trường vệ sinh không đạt, thiếu phương tiện cấp cứu, lượng clo vượt ngưỡng có được khắc phục?

 

- Ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có công văn yêu cầu tất cả các quận, huyện phải phối hợp với Trung tâm thể thao đồng loạt kiểm tra các bể bơi trên địa bàn. Nơi nào vi phạm, phải được xử lý nghiêm.

 

Còn phía y tế dự phòng, sau ngày 1/6, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tiến hành phúc tra chất lượng bể bơi. Bể bơi nào không đạt yêu cầu, sẽ xử lý và tái kiểm tra, nếu cơ sở không khắc phục sẽ đình chỉ hoạt động.

 

Trên thực tế, đã có bể bơi nào bị đình chỉ hoạt động chưa, thưa ông?

 

- Chưa có. Các vi phạm chủ yếu là khâu vệ sinh môi trường, chất lượng nước, công tác cứu hộ… Đây là một trong rất nhiều các quy định đối với bể bơi. Thường các bể bơi được mặt nọ, mất mặt kia. Ngay cả ở khách sạn cao cấp cũng vậy. Tuy nhiên, trong 50 bể ở Hà Nội cũng rất nhiều bể đạt chuẩn như bể của Trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình, bể Tây Hồ, Đặng Tiến Đông…

 

Công tác cứu hộ là quy định bắt buộc và rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho người bơi, khi các bể bơi vi phạm quy  định này, e rằng…

 

- Với vi phạm này, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xử lý rất nặng. Thực tế, có bể bơi thiếu phương tiện, lực lượng cấp cứu, nên có những đáng tiếc xảy ra.

 

Những "đáng tiếc" ấy cụ thể là gì, thưa ông?

 

- Năm nào cũng có trường hợp tử vong tại một số bể bơi, chủ yếu là do trẻ đuối nước. Quy định của bể bơi, khi có trẻ con bơi, phải có người lớn kèm. Nhưng ở đây, lỗi là do người lớn chủ quan, không trông trẻ cẩn thận, khi phát hiện đã quá muộn, không cấp cứu được. Khi xảy ra sự cố này, thường hai bên (phía gia đình và quản lý bể bơi) họ thỏa thuận với nhau, không đưa ra cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng được báo cáo lại khi sự việc đã rồi.

 

Vậy, ông có khuyến cáo gì cho người dân trước khi đi bơi?

 

- Trước khi bơi nên khởi động và tắm tráng. Người đi bơi không nên uống nhiều rượu, bia hoặc vừa tập quá căng thẳng đã vội xuống bể, rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Để bảo vệ tóc, ngoài chọn hồ bơi sạch sẽ, cần đội mũ khi bơi, sau khi bơi xong, nên gội đầu lại ngay với nước sạch.

 

Để bảo vệ mắt, phải đeo kính bơi khi xuống bể. Đặc biệt, đối với người mắc các bệnh ngoài da, tiêu hóa (tả lỵ, thương hàn…), huyết áp, tim mạch thì không nên đi bơi.

 

 Xin cảm ơn ông!

 

 

Theo KTĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo