Di dời Chợ Kỳ Anh: Cuộc "đấu” chưa có hồi kết
Cũng trong 3 tháng qua, đại diện cho 570 hộ tiểu thương đã cử nhiều đoàn mang tiếng nói của tiểu thương đến với Quốc hội và đã gửi 3 đơn khiếu nại đến Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh trình bày về chủ trương của UBND thị xã Kỳ Anh xóa bỏ chợ Huyện có từ hàng trăm năm để di dời đến chợ mới là điều vội vàng với nhiêu lý do hết sức chính đáng.
Quy hoạch chợ mới - lộ trình không rõ ràng, minh bạch
Ngày 11/8/2009, UBND huyện Kỳ Anh có công văn số 512/UBND - CT, trình UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc lập dự án đầu tư xây dựng chợ Nam thị trấn Kỳ Anh. Ngày 15/1/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh có tờ trình số 18/TTr-SKH về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình chợ phía Nam thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh. Trong tờ trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Tên dự án “Chợ phía Nam thị trấn Kỳ Anh”, do UBND thị trấn làm chủ đầu tư.
Chợ phía Nam thị trấn Kỳ Anh được xây dựng tại khu phố Hưng Thịnh, tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng với diện tích 28.000 m2 và mục đích chính sau khi hoàn thành sẽ di dời chợ Xép.
Trước khi xây dựng chợ Nam thị trấn huyện Kỳ Anh, ngày 20/1/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 156/QĐ-UBND nêu rõ: “Mục tiêu xây dựng chợ phía Nam thị trấn Kỳ Anh để thay thế chợ Xép đã xuống cấp, phục vụ nhu cầu khu vực dân cư phía Nam thị trấn do UBND thị trấn Kỳ Anh làm chủ đầu tư”. Vì thiếu vốn, dự án phải “đắp chiếu”.
Đầu năm 2015, chủ đầu tư được thay thế bằng công ty tư nhân Châu Tuấn. Ngày 4/5/2015, công ty Châu Tuấn có công văn số 26/CV-CT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Kỳ Anh cũ, xin chủ trương sát nhập cả chợ huyện và chợ Nam thị trấn.
Tháng 10/2015, chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 162,456 tỷ đồng, gồm 1.200 ki ốt, nhà kho đông lạnh rộng 150m2, khu vực chợ trời 1.000 m2. Vậy là, từ mục tiêu nhỏ, công ty Châu Tuấn và UBND huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) đã thay đổi mục tiêu chợ Cầu Đình, thay thế cả chợ huyện, một trong những chợ lâu đời nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh.
Lập biên bản giả nhằm đạt mục đích
Tại buổi đối thoại ngày 19/8/2015, các tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh phản ánh với thái độ bức xúc cho rằng chính quyền các cấp không thông qua ý kiến toàn dân trước khi đưa họ vào chợ mới.
Một lãnh đạo cấp tỉnh cho rằng: việc xây dựng chợ Cầu Đình đã được thông qua ý kiến toàn dân. Nói xong, ông đưa ra “Biên bản tham vấn cộng đồng” được lập ngày 20/1/2015 như một bằng chứng. Biên bản có chữ ký của bà Bạch Thị Hường, Giám đốc công ty tư nhân Châu Tuấn, Trưởng ban quản lý chợ Kỳ Anh và chữ kỹ của 9 người (đại diện cho 570 hộ kinh doanh).
Nội dung của biên bản thể hiện sự bất cập của chợ cũ, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ ủng hộ chủ trương xây dựng chợ mới…Ông Phồn, Trưởng ban quản lý chợ huyện Kỳ Anh khẳng định: “Từ khi công ty Châu Tuấn đầu tư xây dựng cho Kỳ Anh chưa một lần làm việc với BQL chợ và chưa hề họp để lấy ý kiến của nhân dân.
Còn chữ ký của ông và con dấu của BQL chợ thì không biết họ sao chép kiểu gì?”. Sau buổi đối thoại này, các tiểu thương đã có đơn tố cáo công ty Châu Tuấn giả mạo chữ ký của họ, yêu cầu công an điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.
“Cuộc chiến” di dời chợ vẫn còn tiếp diễn
Gần tháng nay, chính quyền thị xã Kỳ Anh tìm cách cấm chợ huyện, đêm đêm hàng trăm chị em tiểu thương ngủ tập thể quanh chợ để canh giữ. Ngày ngày, cơ quan chức năng dùng loa thông báo quyết định của Chủ tịch UBND thị xã về việc đóng cửa chợ huyện cũ, đưa chợ mới Kỳ Anh vào hoạt động.
Thông báo của Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh ra ngày 3/1/2015 yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các xã, phường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh và nhân dân biết chủ trương đóng chợ huyện, không tham gia mua bán ở chợ cũ.
Từ ngày 5/11/2015, chợ bị phong tỏa các lối vào, ra, có cả công an canh giữ ngày đêm. Nhiều năm qua, không ít nơi trên cả nước xây dựng chợ không hợp lý tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ hoang.
Vậy mà chính quyền thị trấn Kỳ Anh (cũ) không lấy đó làm bài học mà còn đóng cửa ép tiểu thương là trái quy luật, vi phạm quy chế dân chủ và quyền lợi chính đáng của người dân. Theo chúng tôi, nên để 2 chợ song song tồn tại. Theo quy luật phát triển, chợ nào không phù hợp sẽ bị phá sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo