Văn hóa

Xin cho mỗi cháu con một hạt Ngọc "mồ hôi" Lạc Việt

Đã từng rừng rực ngày đêm lửa luyện kim khắp các làng xã Lạc Việt một thuở Tổ Tiên ta vắt kiệt cùng mồ hôi, tâm sức, đời nọ tiếp đời kia chuyên cần luyện quặng, đúc đồng, mới có thể vươn tới đỉnh cao văn minh thời đại. Kính xin cho mỗi cháu con nay một hạt Ngọc "mồ hôi" Lạc Việt làm bảo bối. Soi vào thấy mình chưa xứng với Tổ Tiên, phía trước vẫn đường xa gánh nặng. Thì tâm trong, trí sáng, mạnh mẽ, tự tin dấn bước vào cuộc đua tranh nghiệt ngã thời hội nhập.

Cơ nghiệp lớn lao mà Tiên tổ Hùng Vương để lại, vừa thiết yếu thường nhật sinh nhai cơm áo cho mỗi một người dân, vừa quyết định vận mệnh sống còn và phát triển dài lâu mãi mãi cho tất cả cộng đồng, là một lãnh địa sinh tồn đã được dân Âu-Lạc chiếm lĩnh, khai phá, tạo dựng văn minh trải hàng nghìn năm, tới đỉnh cao của văn minh đồng thau thì ra đời nhà nước. Lãnh thổ ấy thời Hùng Vương đã trải dài từ miền núi phía bắc qua các châu thổ sồng Hồng, sông Mã, sông Lam tới duyên hải nam dãy Hoành Sơn. Vua Hùng lên ngôi, đặt tên nước là Văn Lang, một thời đại mới mở ra: thời đại của văn minh nhà nước.

 

Cơ nghiệp ấy, trải mấy nghìn năm, biết bao thế hệ anh hùng, nghĩa sĩ, chiến sĩ, và người dân Việt đem máu xương, công sức, mồ hôi mà gìn giữ, mà khai khẩn mở mang, mà sáng tạo dần dà văn minh Việt. Để đến hôm nay, một giang sơn hình chữ S, với Biển Đông trước mặt, với các quần đảo như các chuỗi ngọc Hoàng Sa, Trường Sa, hơn 90 triệu cư dân đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam làm chủ đời đời. Mỗi tấc đất, tấc sông, tất biển đều có khí thiêng. Mọi con dân nước Việt, ở xứ sở mình hay sinh sống khắp bốn phương trời, có được niềm hạnh phúc lớn lao khi con tim được ấp ủ hai tiếng thiêng liêng: Tổ Quốc.

 

Di sản vô giá khác, làm nên bản lĩnh con người và bản sắc văn hoá Việt Nam-đó là một thế giới tinh thần-tâm linh-lối sống-phong tục-thói quen-thị hiếu-thẩm mỹ rất riêng của cộng đồng Lạc Việt. Một thế giới giầu có, lắm vẻ, đa sắc thái, với tiếng nói riêng-tiếng Việt cổ; với cơ man là các chế phẩm công cụ, vũ khí với cách tạo dáng riêng; biết bao chế phẩm vật dụng-mỹ thuật trang trí lắm kiểu hoa văn; đồ trang sức; và giầu có các tác phẩm nghệ thuật tao hình (chạm khắc, đúc nổi, tượng tròn…). Đó là nghệ thuật hát, múa dân gian; và lễ hội, các môn thể thao, các trò vui chơi giải trí…

Thế giới tinh thần-tâm linh-văn hoá riêng Lạc Việt vừa định hướng và tạo ra thần thái Việt cho mọi sáng tạo văn minh đương thời và các thời kỳ nối tiếp, vừa có sức gắn kết cả cộng đồng để có thể bền bỉ, âm thầm chống chọi trong suốt nghìn năm mất nước, nên đã không bị đồng hoá cưỡng bức về văn hoá như hàng chục cư dân thuộc đại tộc Bách Việt khác, bởi các đế chế Trung Hoa.

 

Truyền thống lịch sử và văn hoá Âu Lạc thời dựng nước, trải nghìn năm chống ách đô hộ, đã tôi luyện và kết lắng trong con người Việt Nam những phẩm chất cốt lõi : Yêu chuộng hoà bình, độc lập, tự chủ; Bất khuất, kiên cường mà cũng dẻo bền vô hạn trong thích nghi và vượt lên mọi tai hoạ thiên nhiên và hiểm họa chiến tranh; Cần cù, sáng tạo, lạc quan ngay cả trong tang thương, bi đát…

 

 Để rồi, sau nhiều lần dáo gươm quật khởi, đến thế kỷ 10 thì di duệ nòi giống Lạc Hồng thời dựng nước đã giành lại được chủ quyền độc lập trên xứ sở thừa kế từ các Vua Hùng, mở ra kỷ nguyên gần thiên niên kỷ hưng thịnh văn minh Đại Việt.

 

Lãnh thổ sinh tồn hình chữ S mà các Vua Hùng và các thế hệ ông cha để lại, ở thời hiện đại và hội nhập thế giới ngày nay, càng bộ lộc lợi thế to lớn về địa-chính trị, địa-kinh tế, địa-văn hóa để cháu con nay dựa vào mà giữ nước, mà hưng thịnh văn minh mới. Thế và lực đất nước hôm nay, trên nền tảng sức mạnh cố kết cộng đồng, đã vững chãi,  đã mạnh hơn hẳn những năm đầu thiên niên kỷ mới.

 

Tiếng trống đồng tế Tổ rung ngân mây núi Hy Cương, con cháu ngước lên cao xanh, ngưỡng mộ  tài năng sáng tạo lớn lao của các bậc khai sáng khiến đời nay kinh ngạc. Tiền bối thời dựng nước đã bằng những rìu, cuốc, thuổng đá mài mà đột phá vào thời đại kim khí. Và đã vươn tới đỉnh cao của công nghệ đồng thau. Trống đồng Lạc Việt-biểu tượng của quyền uy, nhạc khí, trống trận, là chế phẩm đồng thau tinh hoa nhất, một Thương hiệu Việt  tiêu biểu nhất Đông Á và Đông-Nam Á.

 

Cháu con nay còn đang loay hoay tìm cách thoát nhanh ra khỏi một nền sản xuất chủ yếu bằng thủ công và bằng công nghệ lạc hậu bậc nhất trong vùng. Mọi gia tài quí báu của Tổ Tiên và các thế hệ đã qua chúng ta đang thừa hưởng, nhưng lại làm cạn kiệt dần kho báu tài nguyên thiên nhiên vốn dĩ là có hạn và gây tổn thất ngày càng lo ngại về môi trường sinh thái.  Nguồn lực to lớn nhất là con người. Nhưng vẫn còn đang lấn bấn tìm phương cách đào luyện thành nguồn lực lao động thích ứng với thời đại của nền sản xuất dựa vào năng lực trí tuệ sáng tạo và bằng các dây chuyền công nghệ cao. Việt Nam vẫn đang khó nhọc nhích dần từng bước trong hàng các quốc gia thu nhập trung bình.

 

Thời dựng nước, các Vua Hùng , Lạc hầu, Lạc tướng đều là những thủ lĩnh dũng lược và tài ba nhất được cộng đồng suy tôn và hết lòng tin cậy. Những Quan Lang, Mỵ Nương ( con trai, con gái các Vua) đều là những người cần mẫn sáng tạo văn hoá và dậy dân sáng tạo. Lang Liêu làm ra bánh chưng. An Tiêm trồng ra dưa hấu. Các Mỵ Nuơng đi dậy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Không khí chính trị, đời sống cộng đồng, phong tục tập quán, tâm tính cư dân…, tất thẩy đều yên bình, trong trẻo, vui tươi, phác thực, thuần hậu, hồn nhiên. Vua không ham ngự ngai vàng, mà ưa sống cùng dân. Thăm dân các chốn, Vua nếm mật mía khen ngon. Đi vui hội các nơi, Vua thi đấu vật với trai làng…

 

Chúng ta nay, đời còn lắm nhiễu nhương, ngang trái, tội phạm, tệ nạn, thói hư tật xấu. Quan còn lắm kẻ tham, lắm người xa dân, lắm người không làm nên việc. Dân sống bất an, thiếu hụt niềm tin, không ít dân còn đói, số đông vẫn trĩu nặng nỗi lo cơm áo hàng ngày. 

 

Thế nên, tạ ơn các Vua Hùng để thoả nguyện tâm linh của đồng bào, chúng ta giữ gìn, tôn tạo, điểm tô Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Các đền thờ Đức Lạc Long Quân, Đức Mẫu Âu Cơ đã xây mới, bề thế, nguy nga. Lễ hội Đền Hùng  gọi về ngàn vạn cháu con, kính cẩn và đông vui bậc nhất.

 

Nhưng dâng cúng Tổ Tiên chuyên cần, bình dị,  cần chi  hoành tráng, kỷ lục những bánh chưng, bánh dày, bánh tét. Cần chi ngân nga chiêng trống diễn tấu hùng hồn Văn tế ngôn từ chải chuốt. Làm ăn còn thua kém hết thẩy các láng giềng, vội chi dõng dạc diễn văn khai hội tự ca công trạng.

 

Hành hương bái Tổ, cần nhất là kính cẩn thành tâm trút bỏ những toan tính chức quyền, danh lợi; những ngổn ngang bức bối, phiền muộn, lo toan làm ăn, sinh sống, rủi ro, vận hạn…Để được thư thái, tĩnh tâm, sáng trí như được tắm nước nguồn thiêng.  Để tự tin và biết tự thẹn với lòng mình. Được thế thì cháu con nay có cơ may nhen nhóm lên ngọn lửa của  khát vọng tự cường, sáng tạo, bứt vượt trong đua tranh nghiệt ngã để phát triển, cường thịnh trong thời hội nhập.

 

Lửa ấy đã từng rừng rực ngày đêm khắp các làng xã Lạc Việt một thưở Tổ Tiên ta vắt kiệt cùng mồ hôi, tâm sức, đời nọ tiếp đời kia chuyên cần luyện quặng, đúc đồng, mới có thể vươn tới đỉnh cao văn minh thời đại.

 
Thế Văn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo