Địa phương cần sự hợp tác chặt chẽ từ VFA và doanh nghiệp
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất với Chính phủ phương án giao lại các địa phương thực hiện việc thu mua tạm trữ lúa gạo từ vụ tới. Phương án này được cho là sẽ giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Nhưng sẽ chỉ thực hiện được mục tiêu đã đề ra nếu chính quyền địa phương có sự hợp tác chặt chẽ từ VFA và doanh nghiệp.
Phương án giao lại cho các địa phương thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo được VFA đưa ra tại cuộc họp bàn về xuất khẩu lúa gạo đầu tháng 5. VFA không giải thích lý do đưa ra đề xuất này. Trên thực tế phương án để địa phương thu mua lúa gạo tạm trữ đã từng được đưa ra. Việc chuyển giao cho địa phương thực hiện được cho là sẽ giúp chính quyền chủ động hơn, tham gia tích cực vào chính sách có ý nghĩa lớn với nông dân. Chính quyền địa phương hiểu rõ tình hình thực tế tại mỗi địa bàn nên có thể sẽ điều hòa hiệu quả hơn doanh nghiệp. Theo Giám đốc Sở Công thương An Giang Mai Thị Ánh Tuyết, địa phương có thể căn cứ vào sản lượng và năng lực của doanh nghiệp để phân bổ trực tiếp cho mỗi đơn vị trong thời điểm mua tạm trữ. Địa phương cũng hiểu rõ tình hình thu hoạch ở địa bàn nên có thể sẽ đưa ra phương án khả thi hơn.
Tuy nhiên, phương án này nếu được lựa chọn cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Thực tế, hiện nhiều địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ hè – thu, nên có lẽ chỉ có khoảng 3 tháng nữa để các tỉnh chuẩn bị cho việc tiếp nhận trọng trách này. Chính quyền địa phương sẽ phải làm việc với các doanh nghiệp để nắm chắc năng lực của từng đơn vị, từ đó xác định định mức phân phối. Quá trình làm việc này rõ ràng khó thực hiện nhanh do tình hình xuất khẩu gạo đang có nhiều khó khăn nên không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng nhận chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, lượng lúa đông xuân thu mua tạm trữ tồn kho còn khá lớn, thậm chí tại nhiều địa phương, 50% lượng lúa thu mua vẫn còn trong doanh nghiệp. Như vậy, việc thu mua lúa gạo dù do VFA hay chính quyền địa phương phụ trách thì đều sẽ có nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ngoài ra, VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ và cũng chịu trách nhiệm xúc tiến thương mại, tìm thị trường. VFA ký được hợp đồng xuất khẩu sẽ phân bổ cho các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ. Nếu chuyển giao thu mua lúa gạo tạm trữ cho địa phương thì công việc tìm đầu ra đương nhiên sẽ do chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp tự thực hiện. Tuy nhiên, đa số các địa phương đều cơ bản còn hạn chế về năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm xúc tiến tìm thị trường. Doanh nghiệp tại các địa phương cũng không phải đơn vị nào cũng có khả năng xúc tiến thương mại tốt. Nhưng theo đại diện Sở Công thương An Giang, trở ngại này có thể khắc phục được nếu chuyển giao về cho địa phương đi cùng với việc phân định rõ ràng trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ từ VFA.
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai là để giúp nông dân bảo đảm lợi nhuận, giải quyết lượng lúa hàng hóa tồn đọng khi bước vào thu hoạch rộ. Nhưng tỷ lệ thu mua tạm trữ hiện còn thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất của nông dân nước ta. Tiêu biểu là trong vụ đông xuân 2012 - 2013, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long ước đạt gần 11 triệu tấn, trong khi khối lượng tạm trữ cả nước chỉ 1 triệu tấn quy gạo. Vì thế, phương án giao việc thu mua tạm trữ về các địa phương sẽ giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, để làm được điều này, chính quyền địa phương cần có sự hợp tác chặt chẽ từ VFA và doanh nghiệp.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo