Thị trường

Dịch vụ đổi tiền lẻ đang nóng lên trong dịp cận Tết Nguyên Đán

(DNVN) - Cứ đến dịp cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu cần tiền mới, đổi tiền lẻ, tiền các mệnh giá đẹp để mừng thọ người già, mừng tuổi người thân, trẻ nhỏ, chúc Tết, lễ chùa,… của người dân lại tăng lên so với nhu cầu thiết yếu. Vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ, để tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách. Vì thế, dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch càng được dịp ăn nên làm ra, đặc biệt là trong những ngày cận kề dịp Tết Nguyên Đán này.

Nhu cầu đổi tiền lẻ trong những ngày cận tết Nguyên Đán tăng cao.

Được mùa dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch

Tại Hà Nội, theo những người làm dịch vụ, thị trường này chẳng bao giờ thiếu người có nhu cầu, và cũng không có tình trạng hiếm cung.

Một phần do đã nhiều năm nay, NHNN thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực, đồng thời nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội. Theo thống kê của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên Đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỉ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỉ đồng.

 Mặc dù đã được hạn chế phần nào tình trạng công khai đổi tiền ăn chênh lệch, tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên DNVN tại một số điểm như Phủ Tây Hồ, Phố Hà Trung,… một số người làm dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch với giá cắt cổ vẫn có nhiều cách để đối phó khi lực lượng chức năng đến kiểm tra. Cho dù không để biển “Đổi tiền lẻ” công khai nhưng tình trạng đổi tiền lẻ vẫn ngầm diễn ra. Cụ thể, thay vì đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, người đổi tiền sẽ yêu cầu khách mua kèm thêm đồ lễ. Trong đó nhiều đầu mối khẳng định muốn bao nhiêu cũng có, các mệnh giá dao động từ 500 đồng - 20.000 đồng, chỉ có điều mệnh giá càng thấp, mức phí đổi tiền càng đắt hơn so với đổi mệnh giá cao.

Nếu bị lực lượng chức năng bắt gặp, người đổi tiền lý luận “Các anh chỉ cấm không được đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, chúng tôi không ăn chênh, khách có nhu cầu đổi tiền 1 triệu đồng tôi đưa đúng 1 triệu đồng tiền lẻ. Nhưng với điều kiện khách mua thêm đồ lễ”. Trên thực tế tiền bán đồ lễ chính là tiền ăn chênh lệch đổi tiền lẻ, anh Thắng (Q. Tây Hồ, Hà Nội) cho biết như vậy. Phí dịch vụ đổi tiền lẻ cho các loại tiền 2.000 đồng, 5.000 đồng là 15-20%, thậm chí có nơi lên tới 30% nếu mệnh giá đổi từ 500 - 1.000 đồng, cụ thể đổi 100,000 đồng lấy về 70,000 đồng là một lẽ đương nhiên đang diễn ra tại một số cổng đền, chùa,…

 

Đổi với loại tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng trở lên là 10-15%, tiền mới còn nguyên seri của ngân hàng. Khách hàng đến nhận tiền trực tiếp tại địa điểm đã hẹn trước. Nếu khách đổi với số lượng nhiều hoặc lấy buôn thì sẽ có giá tốt hơn. Đổi càng nhiều thì phí đổi càng giảm.

 Vì vậy có cung ắt sẽ có cầu, chừng nào người dân vẫn còn tin vào việc rải thật nhiều tiền lẻ tại đền, chùa mới xin được lộc thì tình trạng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch sẽ còn tái diễn.

Nên đọc
Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo