Tin tức - Sự kiện

Điều chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần khẳng định, không có Hồ Chủ tịch thì không có ông, bởi chính Hồ Chí Minh đã nhận ra tài năng tiềm ẩn của ông Võ Nguyên Giáp, tin tưởng giao trọng trách lớn.

Bên cạnh những “cẩm nang” Bác trao truyền, còn phải nói đến những quyết định sáng suốt đã chắp cánh và cổ vũ để vị đại tướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tân phong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa đi được một chặng đường thử thách đầu tiên, đánh bại cuộc tập kích của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng (1948).

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957 - Ảnh: TTXVN

Từng chỉ ra nhiều nét rất độc đáo, hiếm có khi so sánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà quân sự không chỉ ở Việt Nam mà trong cả lịch sử toàn thế giới, GS sử học Phan Huy Lê cũng khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra không phải để làm quân sự. Xuất thân là một nhà báo, một cử nhân luật học, một thầy giáo dạy Sử, ông không hề chủ tâm nghiên cứu về quân sự”.

Thời gian dạy Sử, ông mê nghiên cứu về Napoleon và cách mạng Pháp, như cách một nhà làm sử nghiên cứu lịch sử chiến tranh, chứ không có một sự chuẩn bị gì để bước vào đường binh nghiệp cả.

Như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần khẳng định, không có Hồ Chủ tịch thì không có ông, bởi chính Hồ Chí Minh đã nhận ra tài năng tiềm ẩn của ông Võ Nguyên Giáp, tin tưởng giao trọng trách lớn.

Lẽ ra ông Võ Nguyên Giáp được cử sang Diên An, Trung Quốc để học quân sự, nhưng chưa kịp học thì thấy tình hình thế giới chuyển biến quá nhanh nên Cụ Hồ lại gọi ông về.

Và rồi Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị đại tướng đầu tiên mà còn là vị tướng cầm quân duy nhất trong lịch sử được nguyên thủ quốc gia giao trọng trách tổng tư lệnh trong hai cuộc kháng chiến chống “hai đế quốc to” và là vị bộ trưởng quốc phòng cho đến lúc hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất (1979)...

Sau Chiến dịch biên giới (1950), một chiến dịch có tầm quan trọng như một bước ngoặc của cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tài cầm quân của vị tổng tư lệnh sắp bước vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” đã thể hiện và được phát huy trong những chiến dịch tiếp theo...

Rồi đến năm 1954 tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó toàn quyền quyết định cho Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến trường. Chắc chắn nếu không có sự giao phó vô tiền khoáng hậu ấy, vào thời điểm mà phương châm tác chiến mang tính chất quyết định sống còn với kết quả trận đánh, Võ Nguyên Giáp sẽ không thể đưa ra được quyết định sáng suốt để chỉ đạo chiến dịch từ phương thức “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Đúng là vào thời điểm ấy, mọi sự chậm trễ, mọi sự cân nhắc mang tính tập thể lại cũng có thể là mầm mối cho thất bại... Sự thật đã chứng minh không chỉ tài năng của Võ Nguyên Giáp mà còn bắt nguồn từ sự sáng suốt biết dùng người của người đứng đầu cuộc kháng chiến.

Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng vào thời điểm tổng hành dinh ở Hà Nội nhận được tin lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đã tung bay tại dinh Độc Lập vào buổi trưa 30/4/1975, trong tâm tưởng của ông, người đầu tiên ông nghĩ tới là Bác Hồ.

Bước vào binh nghiệp mà không qua trường võ

Sau này khi được hỏi, “Khi được Cụ Hồ giao nhiệm vụ về quân sự, Đại tướng có đọc sách về binh thư như Binh pháp Tôn Tử không?”, Đại tướng trả lời: “Lịch sử phương Tây thì tôi biết, Napoleon thì tôi rất thích, lịch sử Việt Nam tôi hiểu cũng khá nhưng Binh pháp Tôn Tử thì tôi chưa hề đọc. Tôi biết nhưng không đọc. Chỉ khi tổng kết chiến tranh tôi mới nghiên cứu”.

Bên cạnh những “cẩm nang” Bác trao truyền, còn phải nói đến những quyết định sáng suốt đã chắp cánh và cổ vũ để vị đại tướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tân phong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước khi bước vào binh nghiệp, ông Võ Nguyên Giáp không hề qua một trường võ bị nào cũng không chuẩn bị hành trang để hoạt động quân sự. Thế mà ông đã trở thành một vị tướng lừng danh, một nhà chiến lược quân sự tầm thế giới. Phải thừa nhận đó là tài năng mang tính chất bẩm sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy hai cuộc chiến tranh lớn đi đến thắng lợi. Điều này lịch sử ghi nhận trường hợp Trần Hưng Đạo đã hai lần lãnh đạo quân dân chiến thắng giặc Nguyên - Mông.

Điểm khác biệt ở đây là hai cuộc chiến tranh của Trần Hưng Đạo chỉ kéo dài khoảng nửa năm còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy 2 cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm.

Xét trên bình diện thế giới, cũng đã có những cuộc chiến kéo dài 30 năm hay thậm chí 100 năm nhưng một vị thống soái trực tiếp chỉ huy hai cuộc chiến tranh kéo dài như vậy mà đều giành chiến thắng hiển hách là vô cùng hiếm có.

Trước những chiến thắng vang dội, khi có người hỏi vì sao từ một thầy giáo dạy sử lại trở thành một vị tướng cầm quân kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một câu trả lời rất giản dị: “Điều đó chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được”.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo