Thị trường

Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phải ở tầm nghệ thuật

Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa trở thành người đứng đầu ngành ngân hàng đầu tiên tham dự hội nghị tổng kết của ngành tài chính, mà như ông Bình nói, sự có mặt của ông tại hội nghị ngành tài chính là nhằm nâng tầm quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước lên mức “nghệ thuật” trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Trong chỉ đạo, điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự hợp tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không đơn giản như sự hợp tác của 2 cơ quan này với các bộ, ngành khác trong Chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
 
Nhưng sự hợp tác này trước đây, như thừa nhận của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhiều khi không ăn ý. “Nhiều lúc được việc trong điều hành chính sách tài khóa thì mất việc trong điều hành chính sách tiền và ngược lại. Hậu quả là kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, lạm phát tăng cao”, ông Bình chia sẻ.
 
Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đạt mục tiêu đặt ra, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, xuất khẩu gia tăng, kinh tế vĩ mô ổn định trong khi thu ngân sách vẫn vượt khoảng gần 1% so với dự toán, khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh dần được tháo gỡ. Kết quả này, theo ghi nhận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là có nguyên nhân cơ bản là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được điều hành phối hợp, nhịp nhàng, linh hoạt.
 
“Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. Vì vậy, lần nào họp Chính phủ, tôi cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính phải tăng cường sự hợp tác chặt chẽ hơn”, Thủ tướng cho biết.
 
Theo Thủ tướng, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ năm 2014 và các năm tiếp theo phải phối hợp chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, uyển chuyển hơn. “Vì năm 2014, chúng ta phát hành khối lượng trái phiếu chính phủ lớn chưa từng thấy (391 ngàn tỷ đồng, tăng 100 ngàn tỷ đồng so với năm 2013 và gấp gần 2 lần năm 2012). Vấn đề đặt ra là làm sao phải huy động đủ khối lượng trái phiếu để bù đắp bội chi, đảo nợ, đầu tư nhưng không để lạm phát quay trở lại, ổn định được tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô và không tác động tới thị trường tiền tệ”, Thủ tướng yêu cầu.
 
Năm 2013, tỷ giá VND/USD tăng 1,3%; mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Năm 2014, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng và tài chính phải phối hợp trong chỉ đạo điều hành để tỷ giá cũng chỉ biến động tăng/giảm như năm 2013, còn lãi suất sẽ do thị trường quyết định nhưng phải cố gắng giữ được mặt bằng lãi suất như năm 2013.
 
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2013, sự phối hợp trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giữa ngành tài chính và ngân hàng đã “để lại dấu ấn hết sức quan trọng”.
 
“Tinh thần này phải được củng cố, phát triển trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Bởi khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành mỗi năm một tăng, ngay trong năm tới, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành lên tới 8-9% GDP là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì vừa phải phải bảo đảm huy động đủ vốn cho ngân sách lại không được tác động xấu tới thị trường tiền tệ và không được ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là phải kiềm chế được lạm phát”, ông Bình nói.
 
Muốn thực hiện được yêu cầu trên, theo ông Bình thì sự phối hợp giữa ngành tài chính và ngân hàng phải hết sức chặt chẽ, phải uyển chuyển, linh hoạt ở tầm nghệ thuật. Cụ thể là phải tính toán chính xác thời điểm nào thì phát hành trái phiếu, phát hành với khối lượng bao nhiêu; còn thời điểm nào cần cần phải sử dụng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
 
“Chỉ có sự phối hợp nhịp nhàng trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở tầm nghệ thuật mới duy trì ổn định được mặt bằng lãi suất như hiện nay. Ngược lại, lãi suất sẽ tăng lên, gây khó khăn ngược trở lại cho việc phát hành trái phiếu, làm tăng chi phí đầu vào, giảm nguồn thu cho ngân sách và khó lòng kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 7%”, ông Bình chia sẻ với người đồng cấp - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
 
Ông Bình mong muốn, trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính phải biến trái phiếu chính phủ trở thành công cụ phát triển thị tài chính, đặc biệt là thị trường vốn. Trên thị trường vốn, trái phiếu chính phủ phải trở thành mỏ neo để neo lãi suất trên thị trường tiền tệ. Trái phiếu chính phủ phải là hàn thử biểu của thị trường tài chính, giúp thị trường tiền tệ “nhìn” vào lãi suất của trái phiếu để đưa ra lãi suất chứ lãi suất trái phiếu chính phủ không được chạy theo lãi suất trên thị trường tiền tệ.
 
Hiện tại trên 86% khối lượng trái phiếu chính phủ là do các tổ chức tín dụng nắm giữ cũng khiến người đứng đầu ngành ngân hàng lo ngại sự tác động của thị trường vốn lên thị trường tiền tệ. Vì vậy, mở đầu cho sự phối hợp trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở tầm nghệ thuật, ông Bình đề xuất Bộ Tài chính phải cơ cấu lại thị trường trái phiếu để làm sao đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng, phong phú về thời hạn trên cơ sở sắp xếp lại số lượng trái phiếu chính phủ hiện có.
 
“Chúng ta phải sắp xếp lại thị trường để làm sao khối lượng trái phiếu phải “ra tấm ra món”, làm sao để trái phiếu được mua bán phổ biến, trái phiếu phải thực sự có tính thanh khoản cao, tránh tình trạng trái phiếu chỉnh phủ chủ yếu do các tổ chức tín dụng mua và sử dụng để cầm cố, thế chấp vay vốn của Ngân hàng Nhà nước”, ông Bình đề xuất.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo