Điều hành tạm trữ lúa gạo: Hiệp hội nhường cho địa phương
Tại buổi họp bàn về tình hình xuất khẩu gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho biết: VFA sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, chuyển việc điều hành mua tạm trữ lúa gạo cho các địa phương thay vì VFA đứng ra làm như trước.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp "Đánh giá tình hình thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2012-2013 và quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo" mới đây, chính sách hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo là một trong những biện pháp điều hành của Chính phủ nhằm bảo đảm tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần kiềm chế không để giá lúa, gạo trên thị trường giảm quá thấp, giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân chứ không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.
Trong vụ đông xuân 2013, chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo đã được công bố sớm, tạo điều kiện cho nông dân, thương nhân kinh doanh chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa. Các Bộ, cơ quan, VFA, thương nhân kinh doanh lúa gạo đã hoàn thành kế hoạch mua tạm trữ đề ra; trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa, gạo trên thị trường đã tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ…
Tuy nhiên, đã có một số bất cập nảy sinh trong thực hiện chủ trương mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012- 2013 như: chỉ tiêu phân bổ mua chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa, gạo trên một số địa bàn; tác động tăng giá mua lúa, gạo trên thị trường không lớn; việc tiêu thụ lúa, gạo thơm vẫn còn khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế… Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát thực tế việc mua tạm trữ lúa gạo vừa qua để đánh giá kịp thời. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương pháp tính, công bố giá lúa định hướng cho phù hợp thực tế thị trường để đảm bảo có lợi cho người trồng lúa.
Trước tình hình này, ông Trương Thanh Phong cho biết, để có được kết quả như vừa qua là cố gắng rất lớn của VFA và các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nguồn cung lương thực trên thị trường thế giới đang dư thừa, giá giảm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mua gạo tạm trữ vụ đông xuân vừa qua đang rơi vào tình hình khó khăn do đã sắp hết thời hạn được vay ưu đãi nhưng gạo vẫn nằm trong kho, chưa tìm được đầu ra, giá thế giới lại liên tục giảm. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu không giải quyết được số gạo tồn kho hiện nay, họ khó có thể tiếp tục tham gia mua lúa gạo tạm trữ trong vụ hè thu sắp tới.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát đánh giá: Tạm trữ thường được cho là "miếng bánh" ngon, tuy nhiên hiện nay phần lớn doanh nghiệp tham gia tạm trữ đều gặp khó khăn, vì vậy nếu tiếp tục thực hiện chương trình tạm trữ thì nên giao về cho các địa phương.
Hầu hết các doanh nghiệp ngành lúa gạo khẳng định, mặc dù một vài địa phương thông báo vẫn còn tồn đọng lúa hàng hoá vụ đông xuân trong dân, nhưng thực tế không còn nhiều vì đã thu hoạch dứt điểm, hầu hết lúa tồn đọng nằm trong kho doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là tồn kho trong doanh nghiệp rất lớn nhưng giá thị trường sút giảm mạnh, xuất khẩu chậm khiến nguy cơ lỗ vốn cao đang đe dọa các doanh nghiệp./.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo