Điều kiện sản xuất đang dần cải thiện
Ngày 2-5, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC) phối hợp với công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 4- 2013. Kết quả cho thấy điều kiện sản xuất đang dần cải thiện, tín hiệu tăng trưởng nhẹ vào đầu quý II-2013.
Theo số liệu công bố, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa tăng nhẹ từ mức 50,8 điểm của tháng 3 lên 51 điểm vào tháng 4, biểu thị các điều kiện sản xuất đang dần cải thiện lần đầu tiên trong gần hai năm qua. Chỉ số PMI tăng là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời sản lượng sản xuất tiếp tục phát triển thêm.
Sản lượng ngành sản xuất tháng 4 tăng tháng thứ hai liên tiếp, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tháng 3. Sản lượng sản xuất cao hơn phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới sắp tới tiếp tục tăng, khi các công ty báo cáo hoạt động bán hàng cho khách hàng trong nước được cải thiện. Trong khi đó, các điều kiện thị trường quốc tế yếu kém chứng tỏ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng không đáng kể so với một tháng trước đó.
Việc làm trong ngành sản xuất ở kỳ khảo sát mới nhất cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp, với nguyên nhân được cho là do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới có sự phục hồi nhẹ.
Một số công ty cho biết họ đã dùng hàng tồn kho thực hiện các hợp đồng hiện có để giải quyết lượng công việc tồn đọng. Hàng tồn kho thành phẩm đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp.
Chi phí đầu vào trung bình lại tăng trong tháng 4 khi các nhà sản xuất cho biết họ phải trả giá cao hơn ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Chi phí mua hàng đã tăng trong tất cả bốn tháng qua, mặc dù tốc độ tăng trong kỳ khảo sát mới nhất nhẹ hơn so với tháng 3.
Các nhà sản xuất Việt Nam cho biết các điều kiện thị trường cạnh tranh đã hạn chế khả năng của họ trong việc chuyển gánh nặng chi phí sang cho khách hàng. Vì lý do đó, lần đầu tiên trong ba tháng, giá hàng hóa xuất xưởng trung bình giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Một số nhà sản xuất cho biết họ đang giảm giá nhằm tăng doanh số bán hàng.
Tồn kho hàng mua lại giảm trong tháng 4 cho thấy hàng tồn kho đã giảm trong suốt 1,5 năm qua. Mặc dù lượng hàng mua vào tăng mạnh, nhưng việc giảm tồn kho hàng mua một phần nhằm giảm áp lực đối với hàng tồn kho nguyên liệu. Trong khi đó, thời gian giao hàng của người bán hầu như không thay đổi trong tháng 4 giống như tình trạng đã xảy ra từ đầu năm đến nay.
Bình luận về kết quả khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho rằng, việc mở rộng hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu trong nước dần được cải thiện. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng như được thể hiện ở mức gia tăng việc làm và sản lượng.Trong khi nền kinh tế còn bị trì trệ vì hoạt động kém hiệu quả của khu vực quốc doanh thì khu vực tư nhân, đặc biệt là ngành sản xuất, tiếp tục góp phần vào việc duy trì đà phát triển của nền kinh tế. Mức tăng đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất trong năm qua cho thấy Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành sản xuất cần nhiều lao động…/.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo