Tin tức - Sự kiện

Điều kỳ bí quanh cây thị 220 tuổi của dòng họ Lê

Ông Chữ kể, cây thị này rất “hiền”, có vài lần người ta trèo lên cây để hái quả và bị rơi xuống đất nhưng lại không hề hấn gì...

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mọi vật luôn đổi thay, nhưng cũng có những thứ sót lại thần kỳ, như là chứng nhân của thời gian. Cây thị cổ thụ có tuổi đời được xác định trên 200 năm tuổi trong khuôn viên của nhà thờ họ Lê, ở thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) trở thành báu vật linh thiêng giữ hồn văn hóa cội nguồn của dòng tộc.

Dưới bóng cây cổ thụ, chúng tôi như đang hoài niệm về một thời xa xưa. Hai người cháu trong dòng họ hiện đang trông nom, hương khói cho nhà thờ là ông Lê Văn Chữ (62 tuổi) và ông Lê Văn Cầu (54 tuổi) say sưa kể về quá khứ của dòng họ mình. Cùng với đó là những điều kỳ lạ mà các ông chứng kiến từ cây thị đã sống hơn 2 thế kỷ.
 
Cây thị cổ thụ trên 200 năm trong khuôn viên nhà thờ Lê Hiệp Tự.
 
Những điều kỳ bí
 
Chúng tôi về thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) trong một ngày chớm xuân. Tiết trời se lạnh cùng với cái nắng vàng nhẹ đã mở toang cánh cửa mùa đông để đàn én chao nghiêng chở hơi ấm mùa xuân về với mọi nhà. Con đường bê tông rộng, phẳng lì dẫn vào ngôi nhà thờ họ Lê ngập tràn không khí xuân mới. Trong khuôn viên nhà thờ, cảnh vật thật thanh tịnh. Bóng cây thị cổ thụ trước sân sum suê lá, xanh mơn mởn cùng với những quả thị chín mọng toả hương thơm làm nức lòng người đến tham quan.
 
Ông Lê Văn Cầu kể rằng, sau 10 năm (1965-1975) cả làng tản cư trở về, ngôi nhà thờ đổ nát, làng xóm tiêu điều, chỉ có cây thị còn xanh tốt, nhưng  đầy vết đạn bom. Ngày ấy (năm 1975), khi về lại quê nhà, mọi người phát hiện trong bộng cây thị có một anh bộ đội hy sinh trong tư thế vai mang ba lô, tay ôm súng. Chính cha ông đã chôn cất người chiến sĩ ấy và sau này được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Những  thế hệ sau này trong xóm còn tìm thấy nhiều lưỡi giáo, mác. Họ cho rằng, nơi đây đã từng xảy ra những trận chiến, hoặc là nơi tập kết của những chiến binh thời Tây Sơn.
 
Cùng những gì biết được từ gia phả, những người đàn ông trên dưới 60 tuổi hôm nay cũng chỉ biết về thời kỳ trước đó qua những lời kể của ông bà. Nhưng câu chuyện có phần ly kỳ mà các ông chứng kiến được từ cây thị cổ thụ này thì dường như rõ ràng hơn. Ông Chữ kể, cây thị này rất “hiền”, có vài lần người ta trèo lên cây để hái quả và bị rơi xuống đất nhưng lại không hề hấn gì. Bình thường thì cây thị chỉ ra quả vào mùa hè, nhưng cách đây 5 năm, khi bà con trong họ xây bệ quanh gốc cây, thì từ đó, cây thị ra quả quanh năm và rất khác thường. Từ tháng 3 âm lịch, quả chín có đường kính nhỏ rồi những tháng tiếp theo, quả chín có kích thước lớn dần. Đến khoảng tháng 8 thì quả to nhất. Cả 2 ông Chữ và Cầu đều khẳng định đó là sự thật đã diễn ra mấy năm qua.
 
Lại thêm một điều thú vị nữa mà các ông quan sát được, đó là tán cây hướng nam thì liên tục phát triển, còn hướng bắc thì tàn lụi dần. Nhận xét về điều này, ông Chữ đoán định, về tâm linh mà nói, hướng nam là hướng tốt nên tán cây ngả về bên ấy, con cháu cũng có thể phát triển vững vàng hơn. Và điều lạ cuối cùng, là dù bị bom đạn xéo nát thân cây làm 2 mảnh với bao lần trơ cành trụi lá nhưng cây vẫn xanh tươi và quả thơm bốn mùa đến ngày nay.
 
Dấu ấn lịch sử
 
Theo ghi chép của gia phả họ Lê ở thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thì ông tằng tổ họ Lê là Lê Phú Tri, từng được phong hàm Tam phẩm dưới Triều Tây Sơn , làm Phó trấn giữ thành Quy Nhơn (Bình Định). Mùa xuân Kỷ Dậu (1789) ông cùng các tướng lĩnh theo vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược. Thắng giặc trở về, viên trấn thành vệ quan Lê Phú Tri không trở lại Quy Nhơn và cũng không về quê ở thành Châu Sa (nay là Tịnh Châu, Sơn Tịnh) mà tới làng An Chỉ (xã Hành Phước ngày nay) ẩn cư với một người bạn cũng là võ quan đồn trấn. Tại đây ông cưới vợ và quyết định ở lại vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ông đã trồng một cây thị trước sân nhà, đó là cây thị ngày nay, ước khoảng 220 năm.
 
Với những công trạng của mình, năm Giáp Tý (1924), cụ Lê Phú Tri được vua Khải Định ban sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” (Thần bảo trợ gìn giữ sự phục hồi hưng thịnh). Sau đó con cháu họ Lê ở Đề An đã xây nhà thờ Lê Hiệp Tự (nhà thờ chung) của cả ba chi phái cạnh cây thị cổ.
 
Dưới tán cây cổ thụ, trong khuôn viên ngôi nhà thờ họ Lê này còn ghi dấu những sự kiện lịch sử của quê hương. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Ngãi là vùng tự do, huyện Nghĩa Hành là nơi đóng trụ sở của các cơ quan tỉnh, đặc biệt là Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ và Ban đại diện Chính phủ tại Liên khu 5. Nhà thờ họ Lê được chọn là nơi làm việc của Việt Minh. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và bác Phạm Văn Đồng cũng đã từng ở và làm việc tại đây.
 
Qua những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhà thờ họ Lê bị tàn phá hoàn toàn, nhưng cây thị vẫn xanh tươi đến ngày nay. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, con cháu họ Lê ở Đề An đã xây dựng lại nhà thờ này. Nhà thờ Lê Hiệp Tự đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004.
 
Để ghi nhớ công ơn của tổ tiên, một người cháu trong dòng họ đã khắc vào bia đá và gắn lên cây thị với những câu thơ: Trải qua hai cuộc chiến tranh/ Cây xưa vẫn đứng lá cành sum suê/ Thương cây nhớ cội ta về/ Cùng nhau vun đắp trọn bề cháu con.
Theo Báo Quảng Ngãi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo