Định hướng chiến lược phát triển của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam năm 2018
Năm 2018, Bộ Công Thương có kế hoạch hỗ trợ cho ngành cơ khí bằng cách tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên chỉ định thầu trong nước đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia, tạo ra những đơn hàng lớn cho việc phát triển ngành.
Yếu vì ôm đồm nhiều việc
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu công nghiệp ở nước ta đang diễn ra đúng vào thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với khoa học và công nghệ đang bùng nổ trên thế giới. Đây chính là áp lực nhưng cũng chính là động lực và cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí đổi mới.
Đánh giá cao Quyết định 186 của Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí từ năm 2002, trong đó ưu tiên 8 nhóm sản phẩm trọng điểm, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí ghi nhận, ngành cơ khí đã hình thành được 3 ngành hàng mới là đóng tàu biển, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn (thủy công, cầu trục, tháp, bồn, bể…) và lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, ông Thụ cũng chỉ ra rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam thường làm trọn gói tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, thiếu vốn luôn là điệp khúc lại gắn với công nghệ cũ, lạc hậu, quy hoạch bị chia tách, cát cứ theo chỉ đạo của các cấp liên quan nên ngành cơ khí thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp.“Các sản phẩm cơ khí cũng như các nhà máy cơ khí trong suốt 15 năm vừa qua được đầu tư quá ít. Vấn đề là Nhà nước phải nghĩ đến việc xây dựng quy hoạch, có kế hoạch đầu tư để cho ngành công nghiệp cơ khí có thể khai thác và tự cung cấp được các sản phẩm cho nước nhà”, ông Thụ nói.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Sơn, giảng viên Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật quân sự cho rằng, với quy mô nhỏ lại quá ôm đồm, dẫn đến sự dàn trải nên doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam không cho ra được những sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu tầm khu vực từ đó rất khó tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng.
“Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cơ khí trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay rất khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không hẳn là do khách quan, vì thực chất là do chính bản thân doanh nghiệp chưa đủ nội lực, lại phải gồng mình lên làm tất cả các bước, từ nghiên cứu, thiết kế, thị trường đến sản xuất”, ông Sơn chỉ rõ.
Xem lại chính sách
Với thực trạng còn nhiều khó khăn của công nghiệp cơ khí, vấn đề đặt ra là phải làm sao để ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam thực sự phát triển, bắt kịp được với nền công nghiệp khoa học công nghệ cao, đặc biệt thích ứng với với cuộc cách mạng 4.0 mà các quốc gia trên thế giới đang đang vận hành theo quy luật phát triển tất yếu.
Điều quan trọng nhất vẫn thuộc về chủ trương phát triển ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam theo hướng nào và ở mức độ nào? Từng mong muốn “trở thành trung tâm chế biến và chế tạo của thế giới sau năm 2020”, vì vậy, Việt Nam cần nhìn lại Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí sau 15 năm thực hiện Quyết định 186 của Chính phủ để có sự đầu tư phù hợp.
Theo bà Nguyễn Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), điều cốt yếu vẫn phải tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản của Việt Nam. Việc cơ cấu lại và nâng cấp các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước đi lên sẽ quyết định sự thành công hay không của các ngành công nghiệp.
Cụ thể hơn, theo đề xuất của ông Nguyễn Huy Sơn, nếu các doanh nghiệp cơ khí nước ta tập trung vào sản xuất, kết hợp với bên tổ chức nghiên cứu thiết kế để cùng hợp tác được cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của nhau thì công nghiệp cơ khí sẽ có cơ hội phát triển.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Ngành công nghiệp cơ khí nếu cứ “ngồi chờ” phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ không phải là tốt đẹp.
“Ngành cơ khí cần phải xem lại toàn bộ cơ chế chính sách, còn vấn đề nào chưa được phải có kiến nghị, đề nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương… Với bộ máy lãnh đạo mới tương đối cởi mở cùng những đề xuất thiết thực của các doanh nghiệp cơ khí sẽ dễ dàng được đáp ứng và hỗ trợ. Khi đó ngành cơ khí mới phát triển được, nếu cứ để ngành này tự bơi câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.
Để thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, trọng tâm là công nghiệp cơ khí, trong kế hoạch của mình, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa chữa Luật số 71/2014/QH13 để xử lý vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm máy nông nghiệp, nhằm tránh sự bất bình đẳng giữa máy móc sản xuất trong nước và máy móc nhập khẩu, khi đó sẽ bất lợi sẽ luôn thuộc về ngành sản xuất cơ khí trong nước.
Theo định hướng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trang thiết bị y tế, thiết bị điện và thiết bị toàn bộ…
Sản phẩm của ngành cơ khí hiện nay vẫn có sức cạnh tranh thấp, các doanh nghiệp trong nước đầu tư chắp vá và dàn trải với công nghệ sản xuất khép kín và lạc hậu, thiết bị chậm đổi mới. Tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí chưa được khắc phục, năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt không nhiều.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết
MSB đầu tư chiến lược vào nền tảng ngân hàng tương tác