DN nghi ngờ ngân hàng không có tiền cho vay như tuyên bố
Phía các ngân hàng liên tục tuyên bố rằng họ đang thừa tiền nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn và những mời chào tín dụng ưu đãi không hề “dễ ăn”.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 11, tín dụng của toàn hệ thống tăng trưởng 7,54%, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn đạt khoảng 15%, tức gấp đôi tốc độ tăng tín dụng.
Phía các ngân hàng liên tục tuyên bố rằng họ đang ế vốn, rằng có những gói tín dụng ưu đãi mời gọi doanh nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn và những mời chào ấy không hề “dễ ăn”.
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Văn Dinh, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch không nung ở Bắc Giang đã thẳng thắn phát biểu, thực tế ngân hàng đưa ra rất nhiều ưu đãi lý tưởng nhưng khi tiếp cận vốn thì không có chuyện đó. “Doanh nghiệp tôi làm ăn tốt, có đủ điều kiện vay, có tài sản thế chấp, nhưng khi hỏi vay vốn, qua cả tháng trời các anh mới quyết định cho tôi vay và vay rất ít, rồi hứa hẹn vài tháng sau quay lại. Tôi hỏi thật, ngân hàng có tiền như tuyên bố hay không?”, vị này bức xúc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tình hình khó khăn hiện nay có phần nguyên nhân doanh nghiệp đang không có "lửa", nhưng ông Dinh cho rằng, không phải doanh nghiệp không có lửa, không muốn làm ăn mà vì có rất nhiều thứ làm cho người ta phải trốn đi.
Ông Dinh nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi có công nghệ, chúng tôi muốn đầu tư, mang tài sản gia đình đi thế chấp. Ngân hàng đòi hỏi chúng tôi phải có báo cáo tài chính. Tôi hỏi các doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhỏ lấy đâu ra báo cáo tài chính để thế chấp. Tất cả vốn liếng, công sức, tài sản chúng tôi đã bỏ vào doanh nghiệp, chỉ vay có chút ít từ ngân hàng nhưng ngân hàng cũng không được vì ngân hàng đòi hỏi nhiều tài sản thế chấp hơn. Tôi thấy rằng thực sự ngân hàng vẫn còn đang làm khó doanh nghiệp”.
Tình cảnh của ông Dinh gặp phải không phải là hiếm trong số các doanh nghiệp hiện nay. Theo một khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính mới công bố thì vẫn có tới 50% số các doanh nghiệp cho biết họ khó khăn hoặc rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Các khó khăn chủ yếu là về tài sản đảm bảo, chứng minh năng lực tài chính và vướng mắc về nợ xấu tại ngân hàng chưa trả được.
Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, thực sự họ rất muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân, tuy nhiên các điều kiện cho vay thì không thể nới lỏng vì tình hình nợ xấu hiện nay quá nghiêm trọng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc các ngân hàng thận trọng cho vay là dễ hiểu khi cái giá phải trả vì nợ xấu là quá đắt mà nhiều ngân hàng đang phải gánh chịu. Có những ngân hàng vì nợ xấu mà chấp nhận mất cả thương hiệu xây dựng mấy chục năm.
Dẫu vậy, để hóa giải vấn đề khúc mắc về vốn hiện nay, theo các chuyên gia, ngân hàng phải chấp nhận chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp bằng cách hạ thấp lãi suất cho vay, giải ngân cho các đơn vị có phương án kinh doanh tốt dù hiện tại còn khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng niềm tin với ngân hàng bằng việc sản xuất và kinh doanh thận trọng, hiệu quả.
Tri Thức Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo