Thị trường

DN ôtô "dọa" ngưng sản xuất, chỉ nhập khẩu nếu không được ưu đãi

Đại diện của Honda Việt Nam cho rằng, nếu chính sách đối với công nghiệp ôtô Việt Nam không thay đổi thì các hãng sẽ buộc phải chuyển sang nhập khẩu chứ không sản xuất, láp ráp ôtô nữa.

Trả lời phỏng vấn báo chí về chủ đề được khá nhiều nhà sản xuất ôtô ngoại nhắc đến gần đây là việc cân nhắc giữa tiếp tục sản xuất, lắp ráp hay chuyển sang nhập khẩu, khi thời điểm 2018 các dòng thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, lãnh đạo Honda cho biết, công ty cũng đang tính đến phương án đó.
Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Minoru Kato cho biết: "Mặc dù mức thuế suất giảm còn 0% đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN đang đến rất gần, nhưng đến nay các chính sách hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn chưa được ban hành. Nếu chính sách đối với công nghiệp ôtô Việt Nam không thay đổi thì các hãng sẽ buộc phải chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp như hiện nay".
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến phương án này, ông Minoru Kato cho biết, "Do chi phí nhập từ Thái Lan hay Indonesia sẽ rẻ hơn lắp ráp, sản xuất. Vì thế, không chỉ Honda Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ nghĩ đến phương án này", 
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Minoru Kato nhận định đó cũng là phương án cho kịch bản xấu nhất và bản thân Honda không muốn điều này xảy ra, nên đang cùng các nhà sản xuất khác trao đổi, kiến nghị lên cơ quan quản lý nhiều giải pháp.
Về đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu có thể áp dụng từ đầu năm tới, ông Kato cho rằng điều này có thể làm tăng giá xe nhập, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, song lại giúp hỗ trợ sản xuất trong nước.

Nhiều doanh nghiệp ô tô tiếp tục xin được ưu đãi.

Nhiều doanh nghiệp ô tô tiếp tục xin được ưu đãi.

Trước đó, Toyota Việt Nam cũng dậm doạ khi đề cập đến khả năng tiếp tục duy trì nhà máy sản xuất ở  Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về.
Đặc biệt, Toyota sau đó đã có văn bản đề xuất nhiều loại thuế lên Chính phủ, mà thực chất là xin ưu đãi hàng ngàn tỷ như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước; giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô. Toyota còn xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thời gian hỗ trợ phải kéo dài 10 năm.
Tương tự, tại cuộc tọa đàm “Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 4/2015, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp vẫn cần các chính sách hỗ trợ.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải: “Không có nước nào hoàn toàn mở toang cánh cửa mà họ đều có hàng rào bảo hộ. Theo tôi, các bộ nên xem lại chính sách thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, nên có ưu đãi hơn với doanh nghiệp lắp ráp nếu đầu tư, sản xuất có hiệu quả”.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu chở người dưới 24 chỗ ngồi. Bộ Tài chính cho rằng, đây là những điều chỉnh cần thiết nhằm tạo sự công bằng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và cũng qua đó góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam.

Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo