DN sắp dễ thở hơn với thủ tục hành chính
Hệ thống kỹ thuật kết nối các bộ, ngành tham gia giai đoạn 1 "Cơ chế một cửa quốc gia" đã chính thức được khởi động hôm nay, ngày 26-2 tại Hà Nội. Cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp rút gọn được quy trình thực hiện thủ tục hành chính.
Nút kỹ thuật này kết nối 3 bộ tham gia giai đoạn 1 của "Cơ chế một cửa quốc gia" gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, 3 bộ kể trên sẽ được thực hiện các thủ tục qua "Cơ chế một cửa quốc gia", bao gồm: tờ khai hải quan điện tử, quyết định thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng hóa về bảo quản, kết quả xử lí khác của cơ quan hải quan; thông báo tàu đến/rời cảng, quá cảnh; lệnh điều động, giấy phép rời cảng, giấy phép quá cảnh, kết quả xử lí khác của cảng vụ hàng hải; đăng kí nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận Kimberley (liên quan đến chứng nhận và thủ tục xuất nhập khẩu kim cương thô- gọi tắt là KP)...; thông báo tiếp nhận (chấp nhận/từ chối/yêu cầu sửa đổi, bổ sung) thông tin khai trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc kết nối kỹ thuật 3 bộ trên là bước khởi đầu quan trọng để các bộ, ngành bước vào giai đoạn triển khai các thủ tục hành chính điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia một cách đầy đủ và toàn diện. Đây cũng là tiền đề để tiến đến giai đoạn 2, giai đoạn 3 và kết nối với quốc tế.
Sự kiện này thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước thành viên ASEAN khi phê chuẩn Hiệp định, Nghị định thư về thiết lập và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2015. Đồng thời, thông qua việc kết nối các cơ quan Chính phủ vào Cơ chế một cửa quốc gia thì các bộ, ngành cũng đã cho thấy cam kết với cộng đồng doanh nghiệp về một nền cải cách, hiện đại.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị đối với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính nhằm vừa đảm bảo sự quản lý nhà nước, vừa đảm bảo được lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, từng bộ, ngành, địa phương và các cơ quan của Chính phủ phải tự rà soát và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến "Cơ chế một cửa quốc gia" và Cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, cần ban hành quy chế, quy định đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ, ngành tham gia thực hiện Cơ chế một cửa nêu trên. Sơ kết sau một thời gian thực hiện để tiếp tục triển khai mở rộng theo lộ trình của Chính phủ và ban chỉ đạo quốc gia đã đề ra.
Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia được xem là bước đi quan trọng của các nước thành viên ASEAN trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển của từng quốc gia thành viên cũng như tăng cường sự kết nối, mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Việc thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Saigontime
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo