Tin tức - Sự kiện

Đô tăng, vàng giảm, dùng tiền thế nào là "khôn"?

Sở dĩ vàng giảm mạnh gần đây là do Chỉ số dollar Index tăng lên rất cao, gần 90 điểm

 Trả lời phóng viên, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỉ giá USD/VND phần nào đã được dự báo trước. Mặt khác, USD tăng sẽ tác động lên VND và cũng là nguyên nhân khiến giá vàng giảm dần. Trong bối cảnh đó, vốn nhàn rỗi nên gửi vào đâu?

Ông Trần Thanh Hải, TGĐ CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)

Ông đánh giá thế nào về động thái NHNN điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỉ giá vào chiều 7-1 và liệu tỉ giá USD/VND có tiếp tục thay đổi trong những ngày tới?

Theo tôi, việc điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỉ giá của NHNN là hợp lý, vì tỉ giá đã tăng lên mức kịch trần và nhu cầu ngoại tệ gia tăng trong mùa cao điểm cuối năm cùng với sự gia tăng từ nguồn kiều hối chảy mạnh về Việt Nam vào cuối năm.

So với các tháng trong năm, thì cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán của doanh nghiệp luôn có dấu hiệu đi lên trong những tháng gần Tết Nguyên đán. Việc điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỉ giá cũng nằm trong biên độ cam kết mà NHNN đã đưa ra.

Năm 2014, NHNN cam kết ổn định, điều chỉnh linh hoạt tỉ giá và chỉ tăng 1%. Vì thế, khả năng trước mắt, tỉ giá sẽ điều chỉnh, nhưng dần ổn định sau mùa cao điểm này.

Đồng USD hồi phục cộng với dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản USD trong năm nay có thể tác động đến tỉ giá USD/VND. Theo ông, liệu tỉ giá có được kiềm chế?

Sức khỏe đồng USD được hỗ trợ, khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm, lĩnh vực dịch vụ. Đồng bạc xanh thiết lập mức cao nhất so với yên Nhật trong vòng 7 năm qua; tỉ giá USD/euro cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 8-2012.

Điều đáng chú ý là, nhiều chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định khả năng Fed sẽ tái tăng lãi suất cơ bản USD, khi dấu hiệu hồi phục kinh tế dần rõ nét. Tôi cho rằng nếu Fed sớm điều chỉnh tăng trở lại lãi suất cơ bản của USD, thì khó có thể loại trừ một lần nữa NHNN sẽ tăng thêm 1% biên độ tỉ giá trong năm nay, có thể sẽ rơi vào tháng 6/2015.

Nếu xảy ra, thì điều này hoàn toàn phù hợp với cam kết của NHNN là điều hành tỉ giá linh hoạt trong biên độ 2%.

USD tăng trở lại sẽ tác động ra sao đến giá vàng trong thời gian tới, thưa ông?

Sự hồi phục của USD cùng với giá dầu giảm mạnh đã tác động tiêu cực lên thị trường vàng. Giá vàng đã liên tục giảm thời gian qua và hiện nằm ở vùng giá khá thấp, xoay quanh 1.200 USD/ounce.

Sở dĩ vàng giảm mạnh gần đây là do Chỉ số dollar Index tăng lên rất cao, gần 90 điểm, trong khi các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ tương ứng như euro và yên Nhật đã mất giá so với USD, vì thế, việc VND giảm giá là điều khó tránh. Đó cũng chính là yếu tố làm giá vàng giảm mạnh.

Mặt khác, có nhiều khả năng, Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD dự kiến trong tháng 4 hoặc 5/2015. Nếu điều này xảy ra, thì USD sẽ còn mạnh hơn nữa, khiến dòng chảy của khoảng 4.000 tỉ USD trên toàn thế giới sẽ đổ về Mỹ. Lúc đó, các nhà đầu tư, đầu cơ sẽ bán tháo vàng để mua USD trả nợ hoặc kiếm chênh lệch lãi suất. Chính các yếu tố này sẽ khiến cho giá vàng được dự báo còn giảm thêm trong thời gian tới.

Liệu vàng có thủng “đáy” 1.000 USD/ounce khi Fed tăng lãi suất trở lại?

Ngoài việc USD tăng, còn có một yếu tố tương quan tác động đến giá vàng mà ít thấy các nhà phân tích để ý, đó chính là giá vàng giảm cùng xu hướng với việc giá dầu đi xuống. Giá vàng và giá dầu luôn là “cặp bài trùng” trong cơ cấu danh mục của nhà đầu tư. Vàng và dầu đều là sản phẩm hàng hóa, nên nhà đầu tư có thể hoán đổi trong cơ cấu danh mục đầu tư của mình.

Trên thực tế, từ giữa năm 2014 đến nay, trong tác động giảm giá của vàng cần phải thấy rằng, có yếu tố đi song hành là giá dầu thế giới giảm. Khi giá dầu giảm, USD dần mạnh lên, do dầu được định giá bằng USD. Vì thế, USD mạnh lên, ngoài yếu tố kinh tế Mỹ ấm dần còn có yếu tố giá tác động từ việc giá dầu giảm sẽ làm cho USD càng mạnh hơn, kéo theo Fed có thể tái tăng lãi suất cơ bản.

Do đó, trong yếu tố tương quan gián tiếp khi giá dầu giảm, đồng USD mạnh sẽ làm cho giá vàng mất sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, để dự đoán được vàng sẽ giảm tới đâu và khả năng có xuyên thủng “đáy” 1.000 USD/ounce hay không thì chưa có cơ sở để dự báo.

Theo ông, đồng tiền “khôn” nên chọn kênh đầu tư nào để có lợi nhuận khá?

Cho dù vàng đã giảm giá so với trước, nhưng hiện độ chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới vẫn khá lớn. Thêm vào đó, các nhà đầu tư lo ngại việc mua vàng vào lúc này, bởi khó đoán được chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian tới ra sao và thay đổi thế nào khi dự trữ ngoại hối tăng, giá vàng thế giới giảm mạnh. Mua vàng có những rủi ro khó lường.

Tôi cho rằng việc mua vào vàng lúc này cũng chưa được các nhà đầu tư nghĩ đến. Hơn nữa, mua vàng vào lúc này cũng không dễ khi nguồn cung khan hiếm. Song mua ngoại tệ cũng không hẳn là giải pháp tốt, vì tỉ giá nếu tăng cũng chỉ tăng thêm 1% trong năm nay, trong khi mua USD gửi tiết kiệm lãi suất USD hiện chỉ còn 0,5-1%/năm. Vì vậy, nhiều người vẫn lựa chọn việc gửi tiết kiệm bằng VND, với lãi suất ở mức 5,5 - 7%/năm.

Theo Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo