Môi trường

Đổ thuỷ ngân vào “bể nước ăn” người Hà Nội?

Nhìn những đống đất đá chất ngất như bãi chiến trường tan hoang giữa lòng sông Đà, ai cũng phải đau lòng. Con sông dữ dằn, ghềnh thác, thơ mộng “như nỗi niềm cổ tích ngày xưa” trong văn của Nguyễn Tuân, bây giờ chỉ còn trong… sách vở và ký ức.

Nhưng quan trọng hơn, bà con sống trong lưu vực mấy trăm cây số dọc sông Đà, cả người Hà Nội lọc nước mặt sông Đà về làm nước ăn uống sinh hoạt còn đang phải đối mặt với một hiểm hoạ đáng sợ hơn: Đà Giang bị nhiễm độc thuỷ ngân và cyanua.



Bạn đồng hành của phu vàng

 

Ai cũng biết thuỷ ngân và cyanua là những chất cực độc. Tuy nhiên trong đào đãi vàng sa khoáng, nó lại là những phụ gia không thể nào thiếu để phục vụ việc lọc tìm các mảy vàng lẫn trong đất đá. Cyanua dùng để ủ vào trong hầm chứa đất có quặng vàng, ngâm trong 15 ngày trước khi đốt, bới tìm vàng. Nước từ các hầm ủ này rỉ ra cỏ, trâu bò ăn vài ngọn cỏ đủ lăn ra chết. Suốt thời gian rất dài, trước thông tin về việc nước sông Đà sẽ dâng lên do thuỷ điện, người ta xâu xé sông Đà để đào vàng, thử hỏi bao nhiêu độc tố đã thải ra sông Đà?

 

Hiện nay, theo thừa nhận của lãnh đạo huyện Mường Tè là có ít nhất 30 tàu vàng khổng lồ, tiền tỉ đang ngự trên sông Đà. Theo kiểm đếm sơ bộ bằng mắt thường khi đi dọc sông Đà (nhiều đoạn sông không hiện ra trước tầm mắt người đi đường bộ), chúng tôi thấy ít nhất là 40 tàu riêng ở khúc sông Đà chảy qua Mường Tè. Nếu mỗi tàu, một ngày hoạt động liên tục tiêu hết vài trăm lít dầu, thì thử hỏi số dầu thừa dầu cặn, dầu thải, dầu rơi rớt trên sông Đà đáng sợ đến mức nào. Bên cạnh đó là những thùng lọc, máng lọc có thuỷ ngân và cyanua.

 

Bà con ven sông bây giờ hầu như bỏ nghề đánh cá, bởi dòng nước độc đã tiêu diệt vãn cá tôm. Những cán bộ huyện Mường Tè và cán bộ biên phòng quản lý địa bàn đều thừa nhận: Các bưởng lọc vàng bằng thuỷ ngân! Khi nhà báo đột nhập các “biệt thự tiền tỉ” (máy đào vàng) gào thét đào bới giữa sông Đà, thì người quản lý cũng thừa nhận họ dùng thuỷ ngân để lọc vàng. Tất cả các nhà khoa học mà chúng tôi tham khảo ý kiến, cũng đều cho biết “nó không lọc bằng thuỷ ngân hay cyanua thì lọc bằng gì được nữa”. Vậy thì, ai sẽ kiểm soát việc đầu độc sông Đà bằng những hoá chất đáng sợ bậc nhất kia?

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Điện Biên từng trả lời báo chí xung quanh các tàu đào vàng trên sông Đà thuộc địa bàn tỉnh mình quản lý: Rằng, chưa có nghiên cứu về mức độ này. Mà nói thẳng ra: Đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu có Quyết định 119, cấm toàn bộ hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn, trong đó có sông Đà (kể cả các tàu do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép - ông lãnh đạo huyện Mường Tè nhấn mạnh!) nhưng suốt đêm ngày các tàu vàng khổng lồ vẫn cứ gào rú đinh tai nhức óc, khói toả mịt mờ (nghĩa là ai cũng có thể phát hiện ra).

 

Tỉnh vẫn cố tỏ ra “đau đầu”, huyện vẫn thành lập đoàn kiểm tra đi suốt đêm ngày để ngăn chặn và xử lý (như lãnh đạo huyện Mường Tè báo cáo). Ngăn cái tàu lớn, cái sai lớn như thế còn chưa ngăn được, nói gì đến việc kiểm tra xem họ có xả thuỷ ngân ra sông không, rồi có đảm bảo các yếu tố môi trường hay không.

 

Thậm chí, các bưởng vàng bỏ tiền tỉ đổ xuống “đầu tư” bới móc sông Đà tìm vàng kia, họ làm gì với dòng sông, cũng chẳng ai biết. Cụ thể: Đến việc người dân xã  Mường Tè kiến nghị đòi quyền lợi vì không hiểu ai cho phép cho các tàu vàng “nhảy dù” vào xã mình đào bới, ngoạm cả ruộng, sạt cả đất của dân, cũng không ai giải quyết thấu đáo. Cuối cùng họ chơi “bài cùn” đứng trên bờ khua dao quắm mà chửi, vác búa chặt đứt cáp của chủ tàu vàng thì dân bưởng mới “xuống nước” đền bù và “vỗ về” bà con cho mình làm tiếp.

 

Việc các chủ tàu vàng, nhiều người nghiện hút, không biết chữ (theo tiết lộ của lực lượng biên phòng, đơn vị quản lý nhân khẩu các đối tượng này khi đào vàng ở giáp biên) làm ăn kiểu “luật rừng”, bừa phứa đào bới và xả độc ra sông Đà là không có gì đáng... ngạc nhiên.

 

Một lãnh đạo Trung tâm Con người và thiên nhiên (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), sau khi xem ảnh và clip về các tàu vàng chi chít trên sông Đà và thực trạng “đổ” thuỷ ngân xuống nước mặt sông Đà, đã cảnh báo: Người dân lưu vực ăn nước sông Đà, người Hà Nội dùng nước mặt sông Đà cần cẩn trọng.

 

Ai bảo là không độc hại? Lượng thuỷ ngân đó, dù lắng ở đâu, tự phân huỷ ở đâu thì nó vẫn tồn tại và sẽ ngấm ngầm gây hại. Kể cả các hồ như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La có giúp lắng lọc độc tố, thì độc tố nó vẫn nằm trong hồ và cư dân miền Tây Bắc phải gánh chịu. Mà hồ thuỷ điện có lúc xả nước, có lúc xả cả đáy nước, thuỷ ngân vẫn về xuôi chứ chạy đi đâu?

 

 

Một phu vàng bỏ chạy khi thấy chúng tôi chụp ảnh từ xa, bên cạnh anh ta là các thùng hoá chất nguy hiểm và dầu máy "đầu độc" sông Đà.

 

Đợi nhiễm độc rồi thì… còn nói chuyện gì nữa!

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - nói: “Nếu trả lời khẳng định có hay không, thì phải có phân tích cụ thể. Nhưng, việc đào vàng thải môi trường như thế, chắc chắn là độc hại. Tuy nhiên, nguồn nước đó thải ra sông Đà rồi, thì trong quá trình chảy nó cũng có thể tự phân huỷ trong dòng sông, còn cái hàm lượng ấy sau đó có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người không, có vượt qua cái giới hạn cho phép không thì cần phải có phân tích cụ thể”.

 

“Ai cũng hiểu, từ Mường Tè về đến Hà Nội, nước sông Đà đã phải qua đường sông khá dài. Tuy nhiên, không có “thế giới đáng sợ” của những cái máy đào vàng khổng lồ “thải” thuỷ  ngân kia thì vẫn tốt cho môi trường và sức khoẻ người dân hơn là... có nó?”. “Tất nhiên! Nếu tình trạng này kéo dài, hoặc tăng số lượng máy đào vàng hay lượng thải độc hại có thuỷ ngân, cyanua và dầu máy ra môi trường thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chắc chắn việc đào vàng trên diện rộng, đào bới dòng sông và xả thải như vậy sẽ gây ô nhiễm và sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng nước ông Đà.

 

Nhưng hiện tại có thể nguồn gây ô nhiễm đó chưa vượt qua giới hạn cho phép, hoặc ô nhiễm ở mức độ còn có thể xử lý được. Ví dụ thế. Nhưng ngay cả khi như thế, thì báo chí cũng cần lên tiếng tâm huyết và đầy đủ để bảo vệ nguồn nước, chứ còn đợi đến lúc nguồn nước thô của sông Đà đã ô nhiễm rồi thì cải tạo là rất khó” - ông Luân trả lời.

 

Xử lý thuỷ ngân và cyanua sẽ cực kỳ tốn kém

 

Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy xử lý nước mặt sông Đà (cung cấp 210.000m3/ngày đêm) cho đông đảo người  dân Hà Nội sử dụng - nói: “Hiện chúng tôi chưa phát hiện hoá chất gì ảnh hưởng đến khu vực chúng tôi lấy nước mặt sông Đà. Tôi nói là có thể ở thượng nguồn có hiện tượng nhiễm độc thuỷ ngân và cyanua kể trên. Nhưng hàm lượng có thể chưa nhiều do thuỷ ngân đó đã bị pha loãng bởi lưu lượng nước rất lớn của sông Đà. Nó có thể dưới tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Nếu hàm lượng này cao lên thì rất nguy hiểm”.

 

“Nhưng nếu chúng ta cứ ngồi chờ đợi lúc hàm lượng thuỷ ngân từ thượng nguồn đổ về nó “vượt quá tiêu chuẩn cho phép” thì bấy giờ cực kỳ nan giải?”. “Đúng thế! Hiện chúng tôi lấy nước cách chân đập hồ thuỷ điện Hoà Bình khoảng 13km theo chiều nước chảy sông Đà. Chúng tôi muốn kiến nghị: Cơ quan chức năng, nếu cấp phép cho đào vàng, cơ sở đào vàng đó phải làm sao khống chế, kiểm soát được vấn đề chất thải ra môi trường. Cái quan trọng là việc cấp phép phải đi đôi với việc quản lý các cơ sở khai khoáng đó một cách nghiêm ngặt.

 

Chúng tôi muốn kiến nghị cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan cấp phép cho cơ sở khai thác vàng, cần kiểm soát xả thải sao cho nước thải đạt tiêu chuẩn. Các cấp chính quyền cần quan tâm đúng mức vấn đề này, không sớm thì muộn cũng cần phải ngăn chặn thực trạng trên.

 

Giả sử hàm lượng thuỷ ngân cứ tăng đến độ vượt mức cho phép, thì chúng tôi buộc phải có phương án thay đổi kịp thời để đảm bảo chất lượng nước cho người tiêu dùng Hà Nội. Như thế thì cực kỳ tốn kém và phức tạp” - ông Tốn nói.

 

Theo LĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo