Đọa đày trẻ:Sở Giáo dục đau xót, nói trách nhiệm thuộc phường!
Trước thực trạng trên địa bàn xảy ra quá nhiều vụ bạo hành trẻ em (P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) gây chấn động dư luận, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý có trách nhiệm nhưng thiếu kiên quyết, thiếu chỗ học cho con em dân ngụ cư...
Tôi đau lòng và... chúng tôi rất đau xót
Ngày 19/12, trao đổi với Đất Việt về vụ hành hạ trẻ mầm non ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh gây xôn xao dư luận, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những cảnh tượng như vậy, đặc biệt là nhà quản lý chúng tôi còn cảm thấy đau xót hơn nhiều".
Trước đó, ngày 18/12, trong buổi làm việc với quận Thủ Đức, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương đã không ngần ngại đề cập thẳng thắn đến vấn đề này. Theo ông Chương, đánh giá chung thì chất lượng các bậc học tương đối đồng đều, nhưng công tác quản lý “còn nhiều sơ hở”.
Ông cũng cho biết: “Hôm qua đến giờ nghe nhức mình luôn. Phương tiện thông tin đại chúng đưa không kém gì vụ Cát Tường. Báo chí lên án nhiều và VTV đưa tin chính luôn. Sáng ra tôi coi clip thấy bức xúc thiệt. Hành vi của các bảo mẫu gây bức xúc dư luận rất là nhiều”.
Đã có rất nhiều các vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua. Theo ông Hoàng, những vụ việc trên chủ yếu xảy ra ở địa bàn đông dân cư và người lao động, không thể phủ nhận nhu cầu giữ trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi ở thành phố rất lớn, trong khi cơ sở vật chất của thành phố khó đáp ứng được đầy đủ.
"Hiện nay TP.HCM đã nuôi dạy được 65.000 trẻ, chiếm 16% số trẻ không có hộ khẩu, cái khó lớn nhất là giờ giấc giữ trẻ của người công nhân không phù hợp với giờ hành chính của trường mầm non, nên họ phải gửi tư thục. Mặt khác, cũng do phụ huynh không tìm hiểu kỹ lại gửi những điểm không phép, nên mới xảy ra tình trạng này", ông Hoàng nói rõ.
UBND phường phải chịu trách nhiệm
Nói đến cơ sở mầm non tư thục của bà Phương, theo ông Hoàng xuất phát điểm đây là một điểm dạy đàn của bà Lê Thị Đông Phương, vì chồng bà này là giảng viên nhạc viện. Đến tháng 8/2013, bà Phương chính thức nuôi trẻ tại nhà, đầu tiên chỉ có khoảng 3 trẻ, sau đó số lượng tăng dần lên.
Đến tháng 11, UBND phường phát hiện cơ sở chưa có giấy phép, đã đến lập biên bản đề nghị ngưng hoạt động, nhưng cô này vẫn cố tình nhận trẻ. Đến tháng 12, phường kiểm tra cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động nên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 750 nghìn đồng. Sau đó một thời gian thì sự việc này xảy ra, đến nay UBND phường đã đóng cửa cơ sở này.
Qua việc này, ông Hoàng cho biết: "Đúng là sự quản lý của phường còn thiếu kiên quyết khi phát hiện ra sai phạm như vậy, đã xử lý nhưng tái phạm mà không đóng cửa".
Nói đến phương án để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng nêu rõ: "Thứ nhất, Sở sẽ đẩy mạnh xây dựng trường mầm non cho khu công nghiệp, khu đông dân cư và trên toàn địa bàn thành phố.
Thứ hai, phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, Sở Y tế, Sở GD-ĐT và các quận, huyện, hướng dẫn kỹ năng nuôi dạy trẻ an toàn cho các bà mẹ cũng như tổ chức bồi dưỡng đào tạo cho người giữ trẻ.
Đồng thời phổ biến tuyên truyền cho người dân thành phố khu lao động không nên gửi cơ sở không phép. Bên cạnh đó, huy động toàn bộ lực lượng rà soát thường xuyên các điểm nuôi dạy trẻ ngoài công lập, kịp thời phát hiện sai phạm để kiên quyết đóng cửa, hướng dẫn họ làm hồ sơ".
Kiểm điểm cán bộ phường
Trước đó, trao đổi với báo chí ngày 18/12, ông Hoàng cũng cho biết, ngay sau khi sự việc bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở điểm giữ trẻ Phương Anh bị phát hiện, Sở đã đề nghị quận Thủ Đức điều tra làm rõ và xử lý đối với những người liên quan.
Đồng thời, Sở cũng yêu cầu UBND phường Hiệp Bình Phước tổ chức kiểm điểm các cán bộ trong công tác quản lý địa bàn.
Ông Hoàng cho biết: "Trên nguyên tắc, Sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn trường mầm non là do quận quản lý; điểm mầm non, giữ trẻ là do phường quản lý. Lớp mầm non Phương Anh chưa hề được cấp phép hoạt động nên nó thuộc về quản lý của UBND phường Hiệp Bình Phước".
Về vấn đề này, bà Viên Thanh Ngoang, Chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Phước cho biết: "Cấp trên đã chỉ đạo chúng tôi họp kiểm điểm, còn xử lý như thế nào phải chờ kết luận điều tra".
Về việc cơ sở mầm non hoạt động trái phép chỉ cách UBND phường hơn một km và chưng bảng hiệu rất to nhưng địa phương không phát hiện sớm, bà chủ tịch phường khẳng định đã "xử lý ngay".
Đến ngày phát hiện sự việc, phường lập tức phối hợp công an làm rõ hành vi sai phạm "chứ trước đó không nhận được phản ánh".
Bộ GD-ĐT: Phụ huynh không còn lựa chọn nào khác Trao đổi với Đất Việt, ngày 18/12, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành hiện nay là do thiếu chỗ học, phụ huynh không còn lựa chọn khác. Liên quan đến sự việc này, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho rằng: "Trách nhiệm của người phụ huynh tại sao họ không chọn chỗ gửi con cho an toàn để gửi. Vì con là tài sản quý giá nhất của gia đình thì phải quan tâm, tài sản thì phải tìm nơi mà gửi gắm chứ đừng mang gửi bừa phứa như vậy". Ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức (TPHCM) khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu của Trường mầm non tư thục Phương Anh về hành vi hành hạ người khác. Tại CQĐT, những “cô giáo” tại trường mầm non Phương Anh đều quanh co biện minh cho cách “dạy” trẻ tàn độc của mình. “Bé bị ói và khó ăn nên em mới đánh vào mông và nhấn đầu xuống cho bé khỏi ói”, bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) bào chữa cho hành vi của mình. "Việc trẻ ăn ói ra phải đút lại vì thức ăn có giới hạn, nếu đổ đi thì không có thức ăn cho ăn tiếp", Lý giải thích. |
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo