'Với nhân dân địa phương, ông Vươn là ân nhân bởi vì đã giúp dân không còn khốn khổ vì chạy mưa bão, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân
Đoàn Văn Vươn “đánh bạc” với trời
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, chúng tôi có mặt tại vùng cửa biển Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng). Gió từ biển thổi vào đất liền rít lên từng hồi như tháo trận. Ở cái vùng đầu sóng ngọn gió này, những thân cây dừa dọc đường 212 chạy thẳng lên cống Rộc đều nghiêng sang một bên. Cư dân sống bên trong đoạn đê quốc gia chạy qua xã Vinh Quang không nhớ nổi bao nhiêu lần phải sơ tán tránh bão dữ, từng mái nhà tranh bị cuốn bay theo gió lớn. Đó là chuyện của những ngày trước thập niên 90 của thế kỷ trước, sóng biển vỗ ngày đêm vào chân đê, những cánh rừng ngập mặn không có.
Kể lại quá trình phát triển của mảnh đất này, người dân xã Vinh Quang đều hãi hùng về kẻ thù truyền kiếp – thiên tai. Ông Lê Đức Độ (xóm Chùa Trên, xã Vinh Quang) cho biết trước khi anh Đoàn Văn Vươn quyết chí làm “canh bạc” với trời năm 1993, nhìn biển Quang Vinh từ đê quốc gia chỉ là một mặt nước mênh mông, nước phù sa đục ngầu. Từng đợt sóng biển “quất” vào bờ khiến những tảng đá kè chân đê phải trôi ra ngoài.
Mỗi mùa bão lũ về, những ngư dân ở đây “khiếp vía”, đàn ông phải lo tìm nơi neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, đàn bà lo dắt trẻ con, người già, gánh gồng lương thực vào sâu bên trong tránh bão. Những đợt thủy triều dâng lên sát mặt đê, những con sóng bạc đầu ầm ầm như lũ thủy binh hiếu chiến muốn xé tan “chiếc áo giáp” mỏng manh để càn quét tài sản của dân nghèo.
Ngày 4/10/1993, ông Đoàn Văn Vươn bắt đầu công cuộc quai đê lấn biển trên 21ha đất bãi biển khu vực nam Cống Rộc thuộc địa bàn xã Quang Vinh. Khi được hỏi về thời điểm này, ông Độ cũng như nhiều người dân địa phương đó là một quyết định “to gan lớn mật” của ông Vươn. Họ phán đoán: Vươn sẽ thất bại, thậm chí có người còn đứng ra khuyên can không nên tiếp tục hành trình “liều lĩnh” ấy. Thế nhưng, ông Vươn vẫn quyết chí làm.
Ông Độ không khỏi khâm phục nghị lực dám nghĩ dám làm của Đoàn Văn Vươn. “Đầu tiên, Vươn thắng lớn vụ chăn vịt, sau đó lại được mùa lớn vụ đấu thầu ruộng để cấy. Sau 2 chiến thắng ấy, cả gia đình dốc vốn cho vợ chồng Vươn quyết làm một phen ra đối đầu với biển cả. Biết chuyện này, ai cũng tặc lưỡi kinh ngạc”.
“Vươn đắp đầm như muối bỏ bể, đất vừa đặt xuống thì sóng đánh trôi đi. Nhưng nó quyết chí lắm, nó thuê canô chở đá tạo hành lang bên ngoài để chặn sóng, sau đó đắp đất làm bờ. Tạo bờ xong, Vươn lại lấy những tảng đá đó kè vào bờ, phải đắp đi đắp lại mới được như ngày hôm nay đấy. Vậy là nó không phải làm từ số 0 mà bắt đầu từ con số âm dần đến con số 0 rồi mới tiến dần lên. Vậy mà...”, ông Độ giọng trầm trầm.
“Lúc đó, chúng tôi chẳng ai tin anh Vươn thành công cả, bởi vì thời ấy, việc lấn biển chỉ có nhà nước mới làm được. Năm 1996, cơn bão số 6 kinh hoàng đổ vào Hải Phòng, đầm nhà anh Vươn bị xóa sổ. Để cứu đầm, dân làng chạy ra kẻ đánh lỗ, người đắp bờ chống bão. Sau này, khi 20ha rừng ngập mặn lớn dần, sóng gió không còn đập vào. Người dân trong làng cũng không còn phải tránh bão nữa. Với nhân dân ở đây, anh Vươn là người giúp dân không còn khốn đốn vì mưa bão. Gần 10 năm vật lộn, Vươn đã thắng trời trong “canh bạc” liều lĩnh này”, ông Hiền, người thầu đầm bên cạnh đầm ông Vươn kể lại.
Đường cùng...
Hành động mang tính cực đoan của anh em Đoàn Văn Vươn đã không được người dân địa phương đồng tình bởi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên dư luận phân tích cho rằng, Vươn đã bị đẩy sang phía cuối của con đường cùng.
Theo dư luận, việc đổ tiền bạc, công sức vào làm đầm nuôi trồng thủy sản như Đoàn Văn Vươn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất trắng vì thiên tai ngày càng phức tạp, việc được mùa – trắng tay là 50/50. Những người đấu thầu đầm phải vay mượn để kiến thiết, cải tạo để phát triển từng bước vì vậy chuyện hoàn vốn là một thời gian rất dài nỗ lực, kiên trì. Khi họ chưa thu hồi đồng vốn đã thu hồi đất là tước đi cơ hội làm giàu của người nông dân, đẩy họ vào nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất.
Chị Phạm Thị Hiền (em dâu ông Đoàn Văn Vươn) cho biết: Để có bờ đập như hôm nay, cả gia đình đã phải vật lộn trong 7 năm, đầu tư hết hơn 10 tỷ vào đó. Năm 2000, ông Đạt ở Hải Dương mang máy xúc xuống để giúp nhà tôi hoàn thiện đầm. Nhà tôi phải nợ hơn 100 cây vàng, bây giờ còn chưa trả xong. Người ta cũng hiểu công việc làm ăn của mình nên cũng không ép trả nợ, để trả từ từ. Đến bây giờ còn nợ hàng tỷ đồng, chưa hoàn vốn thì xảy ra việc này.
Trong quá trình khai thác thông tin, chúng tôi được biết đã có người thân trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn bỏ mạng tại nơi ông thách thức với thiên nhiên. Năm 2001, cô con gái đầu 8 tuổi của vợ chồng ông Vươn bị rơi xuống cống chết đuối. Năm 2009, cháu gọi chị Hiền là dì ruột sang chơi cũng mất ở đây. Câu chuyện buồn này làm cho chị Hiền rơm rớm nước mắt.
|
Hiện tại vợ con ông Vươn, Qúy phải tá túc ở nhà em trai. Ảnh - Thảo Lăng |
“Nhà tôi cũng không ngờ sự việc nó lại đến mức độ này, cứ nghĩ rằng một vài hôm rồi lại ổn. Hôm lực lượng cưỡng chế về nhà ông bà nội tôi khám nhà, từ bà nội 83 tuổi tới những đứa trẻ con phải chạy trốn nháo nhác như chạy bom. Tết nhất mà chúng tôi cũng không có chỗ để thắp nén hương cho tổ tiên, chẳng khác gì cánh bèo lục bình trôi không bến bờ”, chị Hiền nghẹn ngào.
Người dân cũng đồng cảm với hoàn cảnh của gia đình ông Vươn, mọi người chia sẻ, sau khi vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương và chị Hiền được trả tự do, người dân đã góp tiền giúp gia đình ông Vươn để có nén hương thơm, mâm ngũ quả thắp hương tổ tiên, cho trẻ con, người già có Tết.
Theo Giáo dục Việt Nam
PV