Doanh nghiệp 2013: Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề?
Trong tình hình kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp luôn phải thay đổi để tìm cách thích nghi, tối đa hóa lợi nhuận trong từng hoàn cảnh.Hầu hết các doanh nghiệp chọn cách mở rộng lĩnh vực kinh doanh chính, là lĩnh vực quen thuộc và doanh nghiệp có kinh nghiệm, ưu thế nhất định. Tuy nhiên, đó không phải suy nghĩ chung của tất cả các doanh nghiệp.
Phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai với chiến lược sản xuất mía đường ở Lào. Với lợi thế về diện tích liền kề cũng như chất lượng mía, biên lãi gộp mía đường của Hoàng Anh Gia Lai cao vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong khi các doanh nghiệp mía đường với kinh nghiệm lâu năm có biên lãi gộp xoay quanh 12% thì HAG đạt tỷ lệ 64,4%. Với năng suất vượt trội, việc xin nhập khẩu 30 nghìn tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai đã khiến thị trường mía đường trong nước dậy sóng với tranh cãi giữa Bộ tài chính và Hiệp hội mía đường.
Gemadept cũng manh nha kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực cao su đã lâu. Cho đến gần đây, báo cáo quý 3 của công ty đã chỉ ra trong 9 tháng đầu năm, GMD đã rót gần 340 tỷ đồng vào các dự án cao su, trong khi mảng kinh doanh cảng biển vẫn tiếp tục ăn nên làm ra và mang lại dòng tiền ổn định cho công ty.
Nếu như GMD và HAG khá thận trọng trong chiến lược chuyển hướng kinh doanh và vẫn duy trì mảng kinh doanh cốt lõi, thì Thủy hải sản Việt Nhật lại gây "sốc" với kế hoạch chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất bột nêm sau khi bắt tay với đối tác nước ngoài Internet Service. Đáng lưu ý ở chỗ, để chuẩn bị cho kế hoạch nói trên, VNH đã bán máy móc thiết bị và giải phóng toàn bộ hàng tồn kho từ cuối tháng 9 năm nay.
Cho đến hiện tại, kế hoạch hợp tác với đối tác nước ngoài vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Internet Service vẫn chưa nắm giữ 2 triệu cổ phiếu VNH và tham gia HĐQT của công ty như dự kiến, mặc dù Chủ tịch Nguyễn Văn Nhựt tuyên bố sẽ bán 2 triệu cổ phần của cá nhân theo đề nghị từ đối tác này (và, kết quả là ông Nhựt chưa bán cổ phiếu, thậm chí còn mua 27 nghìn cổ phiếu VNH do đặt lệnh nhầm!).
Trong năm 2013 có một số sự kiện chuyển hướng kinh doanh đáng chú ý sau:
- Thủy sản Hùng Vương dự kiến sẽ kinh doanh các mặt hàng như gạo, nước mắm, nông sản... Trả lời băn khoăn của nhà đầu tư, đại diện HVG cho biết công ty không đầu tư sản xuất các mặt hàng này mà chỉ thu mua loại có sẵn ở Việt Nam để xuất bán tại Mỹ. Rõ ràng, việc tranh thủ kênh phân phối sẵn có của HVG sẽ giúp công ty có thêm một khoản lợi nhuận nho nhỏ.
- An Dương Thảo Điền tỏ ra tham lam hơn khi đồng loạt nhảy vào 2 lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm: Khoáng sản và Nông lâm sản. Với lĩnh vực khoáng sản, sau 6 tháng đầu tư và chưa mang lại kết quả nào đáng kể, HAR đã tuyên bố thoái toàn bộ vốn khỏi công ty con vừa thành lập. Lĩnh vực Nông lâm sản mới được đầu tư chưa lâu, liệu có đi theo vết xe đổ của công ty khai thác khoáng sản hay không, vẫn là một câu hỏi đối với các cổ đông.
Dường như câu thành ngữ "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" đã không còn đúng nữa. Việc mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh bên cạnh những hoạt động truyền thống đã trở thành một hướng đi mới mẻ và không ít các doanh nghiệp lựa chọn đúng đắn, bên cạnh những doanh nghiệp vẫn kiên trì bám trụ với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và vẫn tỏ ra cực kỳ hiệu quả: Vinamilk, PVGas, Hòa Phát, Vingroup, PVDrilling, FPT,....
Bài học đầu tư ngoài ngành đối với Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vẫn còn nguyên giá trị. Các doanh nghiệp không thể không cân nhắc trước những quyết định mang tính đột phá. Suy cho cùng, cơ hội vẫn luôn đi cùng những thách thức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh