Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn vì đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Kể từ khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trong đó ngành bán lẻ trong nước được đánh giá là có nhiều tiềm năng tận dụng thời cơ để vươn xa, phát triển bền vững. Tuy nhiên đi kèm với những cơ hội lớn thì theo đánh giá của nhiều chuyên gia khả năng phát triển sắp tới của nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Cơ hội cho các doanh nghiệp trên thị trường bán lẻ Việt Nam
Với số dân hơn 90 triệu người, trong đó phần lớn dân số trẻ với 66% dân số trong độ tuổi lao động (16-60 tuổi), cho thấy Việt Nam là một thị trường rộng lớn với nhu cầu tiêu dùng cao. Tăng trưởng dân số ổn định ở mức 1,1% cũng góp phần đảm bảo cho việc phát triển của tổng cầu trong dài hạn. Việc phát triển nhanh của nền kinh tế mới nổi, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã ở mức trung bình cũng góp phần tăng nhanh năng lực mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, thị trường nông thôn chiếm 65% - 70% số dân nhưng chưa được khai thác đúng mức, sẽ là "mảnh đất vàng" cho các doanh nghiệp bán lẻ "dụng võ". So với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt, thị trường bán lẻ hiện đại hiện dao động trên 20%, chợ truyền thống trên dưới 80%, đó cũng chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng thị phần.
Tuy nhiên sức ép trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn
Cơ hội phát triển là rất lớn xong thách thức là không hề nhỏ. Trước hết các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh là các doanh nghiệp nước ngoài tiềm năng vốn lớn, công nghệ kinh doanh hiện đại, công tác quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và được hỗ trợ của các công ty mẹ ở nước ngoài, chủ động trong chuỗi thu mua - phân phối toàn cầu.
“Cuộc đổ bộ” của các doanh nghiệp ngoại:
Từ đầu năm đến nay hàng loạt những “ông lớn” ngoại đang ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam như Aeon- Nhật Bản, Robinsons- Thái Lan, hay các đại gia bán lẻ khác đang chuẩn bị bước chân vào Việt Nam như Wall Mart của Mỹ, Mapletree của Singapore, tập đoàn bán lẻ tầm trung Auchan của Pháp. Các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam chắc chắn sẽ không khỏi lo lắng cho thị phần của mình trên thị trường này. Đó là chưa kể đến một số tập đoàn bán lẻ lâu năm đã có mặt tại Việt Nam và chiếm được lòng tin của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt như BigC, Metro, Lotte Mart, đồng thời, chính những “ông lớn” này cũng đang có nhiều kế hoạch phát triển tăng quy mô, thị phần.
Mới đây nhất việc tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan chi gần 900 triệu USD mua lại 19 trung tâm Metro tại Việt Nam đã khiến cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam không khỏi lo sợ. Đánh giá về “cuộc đổ bộ” này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau khi BJC thâu tóm Metro, hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống siêu thị này.
Trước làn sóng tấn công của các tập đoàn bán lẻ thế giới vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội với năng lực cạnh tranh kém đang chấp nhận thoái vốn, tự bán mình bằng cách liên doanh liên kết để tồn tại và nguy cơ mất dần vị thế, bị loại khỏi cuộc chơi ngày càng hiện hữu.
Sức ép đến từ chính những hạn chế của doanh nghiệp nội
Các doanh nghiệp bán lẻ nội hiện nay chủ yếu dựa trên một nguồn cung hàng hóa được sản xuất với quy mô nhỏ, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn thấp kém, chưa tiêu chuẩn hóa một cách đồng bộ, chi phí sản xuất cao, giá cả chưa cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các các nhà cung cấp, đơn vị sản xuất còn lỏng lẻo, những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều, chủ yếu là các “đại gia” nước ngoài như Big C, Metro, chỉ có một vài doanh nghiệp thuần Việt như Co-op mart, Vinatex mart… là bước đầu làm được điều đó.
Hệ thống hạ tầng thương mại của các doanh nghiệp bán lẻ phát triển chậm, không đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường (đa số các siêu thị, đại lý quy mô nhỏ). Hệ thống chợ, nhất là chợ nông thôn, chợ ở các vùng kinh tế trọng điểm vừa thiếu, vừa tạm bợ đã hạn chế lưu thông hàng hoá, hệ thống kho, bảo quản, chế biến, đóng gói còn rất sơ khai ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hàng hoá.
Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự bán lẻ cũng đang là một điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam để mất đi một lượng khách hàng không hề nhỏ. Sự thiếu chuyên nghiệp thể hiện trong từng khâu của bán lẻ, từ nhập hàng, trưng bày đến giao tiếp với người tiêu dùng và nó bắt nguồn từ chính cách tư duy lạc hậu của những nhà bán lẻ.
Chiến lược nào cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?
Mặc dù chúng ta đang có lợi thế sân nhà rất lớn nhưng nếu các doanh nghiệp không sớm liên kết lại với nhau thì theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì khả năng suy yếu của hệ thống phân phối hàng hóa trong nước sẽ là điều không thể tránh khỏi
Các doanh nghiệp cần bắt tay vào xây dựng thương hiệu cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất và cung cấp hàng hóa, qua đó giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần chủ động tìm kiếm, xây dựng những kênh sản xuất, phân phối hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng
Xây dựng chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý khách hàng một cách bài bản và khoa học. Các doanh nghiệp phải bám sát thị hiếu của từng đối tượng khách hàng, thay đổi cung cách phục vụ, coi người tiêu dùng là "thượng đế" thực sự. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn vì đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên bán hàng với phong cách, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng triển khai thường xuyên, chu đáo… nhằm tạo dựng niềm tin, thu hút người tiêu dùng đến với siêu thị. Nhưng trên hết, các doanh nghiệp bán lẻ cần xác định rõ khách hàng không của riêng ai. Do vậy, cần bắt tay liên kết xây dựng hệ thống bán lẻ hùng mạnh với chính sách giá hướng đến người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Infonet