Doanh nghiệp cà phê xin hỗ trợ
Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận ít
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu thống, trong số 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới một nửa.
Mặt khác, cả nước hiện có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng số lượng bạn hàng, thị trường quốc tế có hạn, sự đồng thuận của các doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến cạnh tranh mua - bán. Hệ quả là, hàng loạt doanh nghiệp, nhà thu mua cà phê trong nước đã phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp FDI.
Về phía người trồng cà phê, do chi phí đầu vào (phân bón, nước tưới…) tăng mạnh, trong khi giá bán thấp, nên hiệu quả đem lại từ cây cà phê chưa cao.
Như vậy, dù là nước xuất khẩu số 1 thế giới, song cả doanh nghiệp lẫn người trồng cà phê đều chưa được hưởng lợi.
Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắc Lắc (Simexco Đắc Lắc) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp ngành cà phê trong nước nói chung, doanh nghiệp Đắc Lắc nói riêng chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân cho các đơn vị rang xay, tức là, xuất khẩu trực tiếp rất ít.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cho biết, hiện vẫn có tình trạng doanh nghiệp FDI “kêu” cà phê Việt Nam chất lượng thấp, nhưng họ vẫn mua và muốn mua, bởi mua với chất lượng như hiện nay, họ lợi hơn.
Bên cạnh đó, đầu vụ cà phê 2012, có tình trạng doanh nghiệp ngoại tỉnh, doanh nghiệp FDI vào thị trường Đắc Lắc mua cà phê với giá sàn, nhưng bán ra với giá thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp trong tỉnh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết, với thực tế này, không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại, mà tỉnh cũng thiệt về thuế.
Bà Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Xí nghiệp tư nhân Xuất nhập khẩu cà phê Quang Oanh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, việc các doanh nghiệp ngoại tỉnh thu mua cà phê tại Đắc Lắc như nêu trên là nhằm trốn thuế.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, đã đến lúc, ngành cà phê phải có chiến lược làm sao kiểm soát được hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, buộc họ khi tham gia kinh doanh cà phê tại thị trường Việt Nam phải đem lại lợi ích cho đất nước, chứ không phải chỉ “khai thác” thị trường cà phê Việt Nam. “Tôi nghĩ, vấn đề này phải nhất quán và phải có chính sách rõ ràng. Rất tiếc là, chúng ta chưa có chiến lược này và cũng chưa có phương thức hữu hiệu. Tôi e rằng, nếu tiếp tục như thế này, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kiểm soát từ nguồn cung đến đầu ra cuối cùng; khi đó, có đưa ra chiến lược mới thì cũng muộn”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chiến lược của ngành cà phê cần tập trung vào 2 vấn đề.
Thứ nhất, phải làm sao xuất khẩu cà phê nhân thô với giá trị cao, đưa hình ảnh cà phê Việt Nam là những loại robusta tốt nhất thế giới, giá trị cao nhất thế giới, chứ không phải như hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, phải làm ngay hai việc. Một là, làm sao có công thức để tăng chất lượng, giảm chi phí đầu tư và mua cà phê của nông dân với giá cao hơn. Với công thức này, cũng phải quyết định, nếu không đạt chuẩn, thì không doanh nghiệp nước ngoài nào được xuất khẩu cà phê ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hai là, cần có cơ chế khuyến khích, kích thích người dân đảm bảo nguồn cung cà phê đúng chất lượng.
Thứ hai, ngành cà phê phải có định hướng xuất khẩu hàng chế biến, chứ không thể xuất thô mãi như hiện nay. Doanh nghiệp cà phê Việt Nam có thể chế biến, gia công cho các tập đoàn có khâu phân phối cuối cùng, như Wal-Mart, Costco (Mỹ), hoặc những nhà làm thương hiệu có thể “đóng gói” lại…, đồng thời phải có những chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh vươn ra thế giới.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, trong 10 - 15 năm tới, nếu thực thi đúng những chiến lược nêu trên, ngành cà phê có thể đem về cho đất nước 20 tỷ USD/năm, chứ không phải chỉ trên 3 tỷ USD như hiện nay.
Ông Đinh Văn Khiết cho biết, sắp tới tỉnh Đắc Lắc sẽ yêu cầu các ban, ngành hữu quan quản lý chặt chẽ từ khâu thu mua của các đại lý cà phê. “Cần có quy chế quản lý từ các đại lý thu mua và xuất bán, để lấy lại vị thế, thị trường cà phê Đắc Lắc”, ông Đinh Văn Khiết nhấn mạnh.
Việt Nguyên (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết