Doanh nghiệp càng liêm chính trong kinh doanh càng thành công
Tại Diễn đàn Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (TNXHDN) chủ đề Kinh doanh trung thực: VÌ SAO DOANH NGHIỆP MINH BẠCH THÀNH CÔNG HƠN ngày 2/6 tại TP. Hà Nội, các diễn giả, các đại biểu doanh nghiệp đã có buổi thảo luận mở, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về nguyên nhân thành công của các doanh nghiệp.
Đa số đều thống nhất rằng, minh bạch là nền tảng của một doanh nghiệp thành công và sẽ trở thành yếu tố quan trọng có tác động lớn tới quyết định gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp. Về lâu dài, minh bạch giúp tạo môi trường làm việc lành mạnh, cải thiện năng suất lao động và đạt được kết quả tích cực hơn. Minh bạch liên quan trực tiếp tới yếu tố con người trong doanh nghiệp và đương nhiên liên quan chặt chẽ tới vấn đề quản trị nhân sự.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Thành viên Ban Thường trực VCCI, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (SDforB) và Đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam nhận định: " Minh bạch tạo môi trường làm việc lành mạnh, cải thiện năng suất lao động và tạo kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Chúng ta càng hội nhập thì doanh nghiệp càng phải minh bạch, không chỉ doanh nghiệp mà tất cả các cơ quan đơn vị nhà nước cũng cần phải như vậy”.
Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Ánh Dương - Quản lý Liêm chính kinh doanh - Tổ chức Hướng tới minh bạch cho biết, trong quá trình thực hiện dự án một điểm nổi bật trong các báo cáo cho thấy rằng các doanh nghiệp minh bạch thì thành công hơn, đó là tại Việt Nam, còn ở các nước phát triển thì đây như là một quy luật nhân quả tất yếu.
Được biết, để hỗ trợ thúc đẩy quá trình minh bạch hóa ở Việt Nam, Đề án 12 - Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh - đã được ra đời huy động sự tham gia của từ Ban nội chính TW, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, VCCI, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các đối tác phát triển quốc tế, tổ chức tư vấn kỹ thuật với tổng ngân sách hơn 20 tỷ đồng trong đó ngân sách nhà nước là hơn 7,5 tỷ còn lại là từ các nguồn tài trợ.
Doanh nghiệp được tư vấn miễn phí 1 ngày về TNXHDN
Cũng tại diễn đàn, ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về TNXHDN của UNIDO cho biết, các doanh nghiệp ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới đây tham gia Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam có cơ hội được tư vấn miễn phí về 10 Nguyên tắc của Tổ chức Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, vấn đề TNXHDN thuộc ISO 26000 và các nội dung liên quan trong dài hạn.
Được biết, đây là Chương trình quan trọng trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) nhằm mục tiêu sản xuất và tiêu thụ bền vững (SXTTBV)” là sáng kiến của Văn phòng DN vì sự Phát triển Bền vững (SDforB) thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), được tài trợ bởi Quỹ Một kế hoạch (OPF) của Liên hợp quốc. Mục tiêu chính của dự án là khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hành TNXHDN, với sự phối hợp của Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam (GCNV) do SDforB đang triển khai và hợp phần chính sách của UNEP (thuộc chương trình Switch Asia do Liên minh châu Âu tài trợ) xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về SXTTBV.
Diễn đàn TNXHDN lần thứ 29 chủ đề Kinh doanh Trung thực: “Vì sao doanh nghiệp minh bạch thành công hơn” là cơ hội để DN tham gia đối thoại với nhiều bên liên quan nhằm hiểu rõ hơn về 6 chủ đề TNXHDN cốt lõi theo ISO26000 và 10 nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc. Bên cạnh Diễn đàn với các chủ đề khác nhau, Dự án còn tổ chức các hội thảo, tư vấn và đào tạo kỹ thuật tập trung, tại chỗ cho DN về TNXH tại các địa phương.
Ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về TNXHDN của UNIDO bổ sung thêm thông tin, ISO26000 là bộ tiêu chuẩn hướng dẫn tương đối toàn diện, nhấn mạnh phương pháp tiếp cận tổng hợp tới hoạt động của doanh nghiệp. 7 nguyên tắc trong bộ tiêu chuẩn này có vai trò quan trọng tương đương nhau, tuy nhiên có 1 nguyên tắc giữ vị trí nền tảng cho tất cả các nguyên tắc còn lại, đó chính là nguyên tắc Minh bạch. Không có minh bạch, sẽ rất khó để tuân theo 06 nguyên tắc kia. Không minh bạch, làm sao có thể có trách nhiệm giải trình, làm sao tuân thủ theo luật quốc gia và quy định quốc tế, làm sao các bên liên quan có thể được tôn trọng? Bởi vậy, DN cần minh bạch trong hoạt động, trong phát triển, trong tiếp cận khách hàng và trong cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký, Thành viên Ban Thường trực VCCI và Đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại VN cho hay, minh bạch trong DN là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Mới đây nhất, VCCI đã được Chính phủ giao thực hiện Kế hoạch hành động “Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh” trong cộng đồng DN. Đây là cơ hội để DN cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch sẽ giúp tăng năng suất lao động và các đối tác tin tưởng, lao động gắn bó hơn với DN góp phần tạo sự phát triển DN bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên