Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp ‘chết’ hàng loạt vì gánh nặng tỷ giá, lãi suất?

Theo TS Võ Đại Lược, doanh nghiệp Việt gần đây ‘chết’ nhiều có nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề tỷ giá.

 

4 tháng, 3.249 doanh nghiệp giải thể

 

Thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 3.249 doanh nghiệp, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.

 

"Sức khỏe" doanh nghiệp Việt vẫn yếu (Ảnh minh họa: KT)

 

Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 35,8% là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên; 27,2% là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên; doanh nghiệp tư nhân chiếm 21,8% và công ty cổ phần chiếm 15,2%.

 

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 19.035 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 6.726 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.309 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

 

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 6.316 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. “Điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn”- Tổng cục Thống kê đánh giá.

 

Tỷ giá đang gây khó doanh nghiệp nội?

 

Tuy nhiên, theo TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới: “Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. Và thực tế, giá trị thực của khối doanh nghiệp trong nước mang lại cho nền kinh tế đang còn thấp. Điều đó cho thấy năng lực của doanh nghiệp nội địa nước ta suy giảm. Về nguyên nhân suy giảm này thì có nhiều, song nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề tỷ giá”- ông Lược khẳng định.

 

Chứng minh cho nhận định của mình, ông Lược phân tích: Môi trường đầu tư của nước ta dù còn lẹt đẹt, nhưng cách đây 5-7 năm, doanh nghiệp nội địa nước ta không ‘chết’ nhiều như hiện nay. Trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do hiện nay đồng bạc Việt Nam đang cao giá hơn giá trị thực của nó. Đã có ước tính nó cao hơn khoảng 25%. Vì lạm phát cộng dồn 5-7 năm nay khoảng 70% (trong khi đó lạm phát đơn cử tại Mỹ chỉ khoảng dưới 2%/năm).

 

“Rõ ràng, dù giải thích bằng cách nào thì đồng tiền Việt Nam cũng tăng giá hơn giá thực”- ông Lược nhấn mạnh. Trong bối cảnh môi trường hội nhập, Việt Nam đã tham gia đến 8 FTA, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giảm xuống rất nhiều. Khi đó, theo ông Lược, “chúng ta chỉ còn cách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tỷ giá. Do đó, nếu để đồng Việt Nam giá cao thì hàng nhập khẩu đổ ào ạt vào Việt Nam, còn hàng Việt xuất khẩu đi nước ngoài sẽ thua thiệt.

 

Với thực trạng như vậy, ông Lược chon rằng, “doanh nghiệp FDI không bị ảnh hưởng gì do vốn họ đưa từ nước ngoài vào nước ta, họ không bị lệ thuộc vào tỷ giá. Đã thế, doanh nghiệp FDI có lợi thế về thị trường có sẵn, họ còn tận dụng được nguồn lực của Việt Nam để phát triển sản xuất. Còn doanh nghiệp Việt Nam thua về thị trường mà lại phải vay lãi suất cao, trong khi tỷ giá như hiện nay, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đều gặp vấn đề”.

 

“Thực tế này, nếu tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh được mãi vẫn chỉ gia công”- ông Lược cảnh báo.

 

Hàng nhập rẻ, hàng nội khó cạnh tranh

 

Mặc dù đánh giá việc thay đổi tỷ giá hiện nay là khó khăn, nhưng ông Lược vẫn khẳng định: nếu hạ giá VND thì không lo chuyện xuất nhập khẩu. Vì rằng, hàng nhập khẩu đắt lên mà mua vào để xuất khẩu thì còn phải công đoạn bán ra, khi đó sẽ có sự bù trừ. Còn hàng nhập để tiêu dùng trong nước đắt lên, người dân trong nước có thể bị ảnh hưởng, nhưng khi đó sản xuất trong nước lại có thể cạnh tranh được. Còn cứ để hàng nhập về rẻ như hiện nay thì hàng trong nước không thể cạnh tranh được.

 

Không đồng quan điểm với ông Lược, TS Cấn Văn Lực (Ngân hàng BIDV) lại cho rằng, thực chất không phải đồng tiền Việt Nam đang bị cao giá so với USD tới 25%. “Nếu thế thì người dân đã mua để đầu cơ rồi”- ông Lực bình luận.

 

Theo tính toán của ông Lực, “tiền Việt chỉ đang cao hơn khoảng 2-2,5% so với USD. Theo chính sách điều hành tỷ giá NHNN công bố giữ ở ngưỡng 2% trong năm nay là tốt. Vì ngưỡng này đảm bảo giúp cho doanh nghiệp kiểm soát tài chính tốt”.

 

Trong bối cảnh gần đây tỷ giá trên thị trường có nhiều biến động, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Do không thể lường hết được bối cảnh tỷ giá bên ngoài thế giới tăng, do đó có tình trạng ở đâu đó trong nước ta có sự điều chỉnh tỷ giá cũng chỉ là sự linh hoạt trong điều hành. Tức là không nhất thiết phải điều chỉnh 1 lần tới 1% mà có thể ở các ngưỡng dưới mức này. Hoặc thậm chí dù tăng tới trên 2% do áp lực từ bên ngoài không thuận lợi thì chúng ta vẫn phải làm. Khi đó, giải thích với doanh nghiệp, người dân rằng do tác động khách quan bên ngoài”.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, khẳng định: Việc điều hành chính sách tỷ giá phải rất thận trọng. NHNN tránh để các yếu ngắn hạn gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. Điều hành tỷ giá theo phương châm tăng vị thế VND. Thời gian tới, vẫn tiếp tục hướng này. Nó đồng thời cũng hợp với chủ trương của Chính phủ về việc chống đô la hóa nền kinh tế.

 

Việc điều hành tỷ giá cũng không thể chỉ nhìn vào một ngành, lĩnh vực nào đó, xuất khẩu hay nhập khẩu… mà phải trên bình diện tác động tới cả nền kinh tế./.

Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo