Doanh nghiệp chết, lao động trắng tay, ai lo ?
Giải quyết thế nào với quyền lợi của người lao động làm việc tại doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa, chủ DN bỏ trốn, trong khi vẫn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) là câu hỏi được phóng viên đặt ra với ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
Thưa ông, gần đây, tình hình DN giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa, chủ DN bỏ trốn, nhưng vẫn còn nợ BHXH diễn biến thế nào?
Theo con số thống kê mà chúng tôi mới cập nhật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 31/3/2014, có tổng cộng 849 DN, chủ yếu có quy mô rất nhỏ, khi mới đi vào hoạt động họ đăng ký số lao động đóng bảo hiểm, nhưng sau khi chúng tôi kiểm tra tại nơi đăng ký kinh doanh, thì DN đã bỏ trốn, nợ 63,2 tỷ đồng bảo hiểm. Có 6.773 DN giải thể, ngừng hoạt động, sử dụng 18.392 lao động, nợ bảo hiểm 495 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 179 chủ DN FDI sử dụng 6.127 lao động, nợ 54,8 tỷ đồng bảo hiểm cũng đã bỏ trốn. Tổng cộng có 26.665 người lao động nhiều khả năng sẽ không được hưởng đầy đủ các quyền lợi từ chính sách BHXH do DN giải thể, ngừng hoạt động, chủ DN bỏ trốn do còn nợ tổng cộng 613 tỷ đồng tiền bảo hiểm.
Lỗi này không do người lao động gây ra, vậy phải có hướng xử lý hợp tình, hợp lý?
Các bộ, ngành đã thảo luận về vấn đề DN giải thể, ngừng hoạt động không có tiền thì quyền lợi lao động giải quyết thế nào, chủ DN bỏ trốn mà vẫn còn nợ bảo hiểm thì giải quyết quyền lợi của người lao động ra sao để trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Nhưng hiện tại, các bộ, ngành chưa thống nhất được phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ.
Vì sao vậy, thưa ông?
Vướng mắc lớn nhất là, phải kiểm tra xem DN có thu tiền bảo hiểm của người lao động (8% tiền lương), nhưng không đóng cho BHXH hay không. Việc kiểm tra rất phức tạp, bởi trong số DN nợ BHXH có rất nhiều chủ DN đã bỏ trốn, trong đó có nhiều ông chủ nước ngoài đã xuất cảnh nên việc kiểm tra rất khó khăn, phức tạp.
Vậy chẳng lẽ chúng ta đứng nhìn?
Nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng; đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi và cũng là xử lý theo thông lệ quốc tế, DN đóng bảo hiểm đến đâu, chốt sổ BHXH đến đó. Ví dụ, DN nợ bảo hiểm từ năm 2010, nhưng đến năm 2014, họ mới bỏ trốn, giải thể, ngừng hoạt động, thì chốt sổ bảo hiểm tại thời điểm năm 2010.
Trong khi đó, quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là, trong trường hợp DN đã thu tiền bảo hiểm rồi, thì phải giải quyết quyền lợi cho người lao động đến thời điểm DN bỏ trốn, giải thể, ngừng hoạt động.
Xem ra, quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được nhiều người đồng tình, thưa ông?
Cơ quan BHXH rất chia sẻ với sự thiệt thòi của người lao động. Bởi người lao động làm việc tại những DN này thường có thu nhập rất thấp, lao động vất vả, cực nhọc, nên về tình, chúng tôi cũng rất muốn ủng hộ quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Song xét về mặt lý thì không ổn, vì mấy lẽ sau.
Thứ nhất, như tôi nói, làm sao xác định được DN đã thu tiền bảo hiểm của người lao động hay chưa trong trường hợp chủ DN, nhất là chủ DN nước ngoài đã xuất cảnh?
Thứ hai, nếu thực hiện theo quan điểm này, thì số tiền 613 tỷ đồng nợ BHXH ai sẽ chịu trách nhiệm, lấy nguồn nào để bù đắp vào khoản thâm hụt này?
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, ở Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, BHXH chỉ là cơ quan giữ hộ tiền tiết kiệm hàng tháng của người đóng bảo hiểm, khác với bảo hiểm y tế, BHXH không có quyền lấy tiền của người này để bù đắp cho người khác.
Theo ông, liệu có cần cơ chế UBND cấp tỉnh ứng ngân sách đóng nốt số nợ bảo hiểm cho người lao động, sau đó bán tài sản của DN để thu hồi?
Những DN này thực tế đã “chết” từ lâu rồi, nên làm gì có tài sản để bán. Khi không thu hồi được tiền ứng trước, thì xử lý thế nào? Tôi lấy ví dụ, hiện CTCP Tập đoàn Mai Linh đang nợ BHXH 120 tỷ đồng, địa phương nào dám ứng ngân sách để “giải cứu” trong trường hợp Công ty này đóng cửa, ngừng hoạt động? Vì thực tế tài sản lớn nhất của Mai Linh là xe ô tô taxi đã bán hết cho người lao động rồi, Công ty chỉ còn lại mỗi thương hiệu.
Hơn nữa, nếu địa phương nào có kết dư ngân sách cũng không thể ứng tiền đóng hộ bảo hiểm được vì theo tôi được biết, Luật Ngân sách Nhà nước không có quy định ngân sách địa phương được ứng tiền cho vay trong trường hợp này và các trường hợp tương tự khác.
Chẳng lẽ để người lao động mất trắng, thưa ông?
Theo tôi, hướng xử lý hợp tình, hợp lý nhất là vẫn thực hiện nguyên tắc DN đóng bảo hiểm đến thời điểm nào thì chốt sổ đến thời điểm đó. Tại thời điểm chốt sổ, người lao động nào đến tuổi nghỉ hưu thì giải quyết cho họ nghỉ hưu; nếu không thì giải quyết chế độ bảo hiểm một lần theo đúng quy định, còn số tiền nợ 613 tỷ đồng cứ treo lại như chúng tôi đã từng thực hiện với Vinashines.
Trong trường hợp người lao động chuyển sang làm việc tại cơ quan, đơn vị, DN khác, nếu họ tự nguyện đóng nốt số tiền nợ của mình thì vẫn tính thời gian đóng bảo hiểm liên tục, đồng thời không tính tiền phạt chậm nộp thay vì giải quyết chế độ bảo hiểm một lần sẽ có nhiều người lao động bị thiệt thòi do không được tính bảo hiểm liên tục kể từ khi đi làm việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo