Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp
Liên kết lỏng lẻo
Đây là vấn đề được đặt ra trong chương trình hội thảo “Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Hà Nội hiện có khoảng 152.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thị sản phẩm đầu ra.
Ths. Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội, đánh giá việc thực hiện chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tạo ra sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký kết hợp đồng với trang trại lớn.
Tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra do nhận thức người dân thấp, thiếu thông tin thị trường, chạy theo lợi ích trước mắt. Điều này dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa” hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cụ thể, nên phần lớn doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ thuận lợi, rủi ro chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo “thuận mua vừa bán”.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp, Ths. Nguyễn Văn Chí cho rằng, để mô hình này thực sự hiệu quả, doanh nghiệp làm trung gian phân phối là nhân tố định hướng thị trường và quyết định tính bền vững trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, có vai trò chủ đạo để chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững.
Th.s Trần Thị Loan – Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đang là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp và bà con nông dân đang mắc phải hai mâu thuẫn lớn nhất về giá bao tiêu và sản phẩm đầu ra khi tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Bà con hợp đồng với doanh nghiệp, sau khi giá tăng thì bà con bẻ kèo để bán cho thương lái, tại thời điểm đấy thương lái có thể trả bà con nông dân với giá cao hơn thì bà con bán. Còn doanh nghiệp cũng có hiện tượng bẻ kèo với bà con nông dân là khi giá cao doanh nghiệp không mua, giá thấp thì doanh nghiệp mua, cuối cùng bà con nông dân là người chịu thiệt thòi rất lớn.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Thành Lưu – Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm An toàn Hà Nội cho biết, công ty đã lập ra một hệ thống sàn giao dịch cả đầu vào lẫn đầu ra giúp kết nối dễ dàng và nhanh chóng với nhiều đầu mối trên thị trường. Trong 3 năm hoạt động, Sàn đã có những bước phát triển và hỗ trợ cho rất nhiều nhóm sản xuất. Tuy nhiên, do mô hình mới phát triển ở Việt Nam mà đại đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về chi phí quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng lại chưa “hỗ trợ chi phí giao dịch qua Sàn” nên không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra đánh giá nguồn gốc và chất lượng sản phẩm giao dịch còn hạn chế.
Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương là một doanh nghiệp chế biến nông sản đã thực hiện chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp, trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn nhất định. Là một doanh nghiệp xuất phát từ làng nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống, người lao động thuần nông nên kiến thức am hiểu về chế biến nông sản sạch rất hạn chế. Các đơn vị trung gian cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh khi giá thành nguyên liệu bị biến động theo từng thời điểm, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của công ty làm nguyên liệu, dẫn đến khó khăn trong việc cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại và đặc biệt là sản phẩm Trung Quốc.
Trước thực trạng trên, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi tham gia chuỗi liên kết giá trị sản xuât nông nghiệp, các doanh nghiệp đều có mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy vai trò xúc tiến thương mại, kích thích sản xuất, đảm bảo chất lượng nông sản và giá cả cho người tiêu dùng. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về chế biến nông sản, phổ biến kiến thức để cơ sở sản xuất ứng dụng vào quá trình sơ chế. Bên cạnh đó là tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở đi tham quan học tập, tham gia hội chợ,… nâng cao hiểu biết trong quá trình sơ chế để từ đó doanh nghiệp có các mặt hàng nông sản có giá trị cao, tìm được thị trường tiêu thụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần đi sâu vào giám sát thực trạng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về tài chính trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cho doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt