Doanh nghiệp chưa mặn mà với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Phát biểu tại lễ trao giải Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2014 diễn ra hom qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết: “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế có hoạt động nổi trội về chất lượng, có uy tín trên thương trường, có đóng góp nhiều cho xã hội và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý và sản xuất kinh doanh.
Giải thưởng chỉ ra cho chúng ta những doanh nghiệp điển hình để chúng ta ghi nhận và phát huy. Có thể nói, việc tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã thực sự trở thành một công cụ nâng cao năng suất, hiệu quả và năng suất của doanh nghiệp. Góp phần vào tạo động lực cho cạnh tranh và động lực cho phát triển kinh tế.”
Tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội 65 doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia và 3 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2014 đã được vinh danh tại buổi lễ.
Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ cao TRAPHACO, một trong số những doanh nghiệp đạt giải Vàng Chất lượng Quốc gia 2014, chia sẻ: “Những tiêu chí của giải thưởng thể hiện được giá trị phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư họ nói với tôi rằng, chúng tôi đánh giá cao doanh nghiệp chính là ở cái chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp.
Năm 2015, chúng ta hội nhập sâu rộng có rất nhiều cái nhà nước không thể bảo hộ được nữa. Nếu chúng ta không có khả năng cạnh tranh thì chúng ta không thể phát triển. Khả năng cạnh tranh cao nhất chính là chất lượng của doanh nghiệp. Mà 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia này là cái mà doanh nghiệp chúng tôi áp dụng, phấn đấu để thực hiện.”
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hằng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Mặc dù, giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcom Baldrige ( MBA) – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm lắm đến giải thưởng này.
Chia sẻ với báo chí, bà Vũ Thị Thuận lo ngại : “Tại sao năm 2007 - 2008, có hơn 100 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, sau đó số lượng doanh nghiệp chúng ta giảm đi? Phải chăng chúng ta khó khăn quá nên không quan tâm nữa ?”
Lí giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Ngô Quý Việt, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược của mình: “Bao giờ với con người ta thì cái lo đầu tiên là cái lo cơm áo gạo tiền.
Ngày mai lương của công nhân mình chưa biết lấy từ đầu thì việc đầu tiên là phải tìm công ăn việc làm. Khi công việc đã hòm hòm rồi thì người ta mới nghĩ đến việc nâng cao năng suất, chất lượng. Cái lo về cơm áo gạo tiền ấy chính là một trong những cái doanh nghiệp không có tầm nhìn chiến lược. Cho nên dễ bị hụt hẫng. Hụt hẫng vì phải lo việc cho ngày hôm sau chứ không nghĩ dài hơi được.”
Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam bây giờ chưa có tầm nhìn chiến lược thì họ cũng không chú ý đến cả hội nhập. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói thêm: “Có doanh nghiệp thậm chí còn không biết cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành.
Chính không có tầm nhìn như thế nên ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, có những chương trình của Bộ Công thương cũng như các Bộ khác hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của mình. Đây là một điều rất cần thiết. Và muốn đạt được nâng cao sức cạnh tranh của mình thì một trong những công cụ chính là Giải thưởng Chất lượng này.”
65 doanh nghiệp đạt giải Chất lượng Quốc gia năm 2014 được lựa chọn từ 71 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham dự. Các doanh nghiệp tham gia được đánh giá theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với từng loại hình doanh nghiệp và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. Doanh nghiệp được xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có số điểm từ 600 trở lên. Doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia có điểm từ 800 trở lên.
Bảy tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia bao gồm các hạng mục: vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; định hướng vào nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động.
Tháng 8/1995 tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng Phong trào năng suất – Chất lượng trong Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất ( 1996 -2005) theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Cũng tại hội nghị này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông báo về việc thành lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.
Năm 2009 Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được hình thành trên cơ sở hoạt động 13 năm Giải thưởng Chất lượng Việt Nam và do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương ( Global Performane Excellence Award – GPEA) của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương ( Asia Pacific Quality Organisation – APQO).
Đến dự Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam…
Danh sách 19 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2014:
- Doanh nghiệp sản xuất lớn: Công ty Cổ phẩn Đồng Tiến; Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP; Công ty Cổ phẩn Chế tạo Bơm Hải Dương; Công ty TNHH Long Hải; Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Công ty Cổ phần Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Công nghệ cao TRAPHACO; Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình
- Doanh nghiệp dịch vụ lớn: Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam
- Doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh; Công ty Long Phương; Công ty Cổ phần Thiên Sinh; Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực Miền Trung; Công ty TNHH Nam Dược
- Doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây; Công ty TNHH Phúc Xuyên; Công ty Cổ phần Thiết bị Vật tư Y tế Thanh Hóa.
3 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2014: Ngân hàng TMCP Quân đội (MP Bank); Công ty Cổ phần Sài Gòn Phú Quốc và Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất