Doanh nghiệp công nghệ “mỏi mòn”chờ ưu đãi
“Chúng tôi mong muốn được đóng tiền thuê đất một lần trong 50 hoặc 30 năm để có thể cầm hồ sơ đi vay vốn. Do bị cào bằng với doanh nghiệp bất động sản nên chúng tôi phải trả tiền thuê đất hằng năm, khó được hưởng ưu đãi để phát triển các dự án công nghệ”.
Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và đại diện một số sở, ngành ngày 27/6/2012, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đã bày tỏ các vấn đề khúc mắc đang gặp phải nhằm tìm kiếm lời giải đáp giúp họ vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.
Khó vay ưu đãi
Đại diện cho một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu công nghệ, ông Frank Schellenberg, Giám đốc điều hành Công ty GHP Far East, cho biết: Theo Thông tư 06/2012 ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/3/2012, thuế VAT đối với dịch vụ số hóa dữ liệu tăng từ 0% lên 10%.
Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp. Bởi theo đó, đối với những hợp đồng ký từ trước và đã hoàn thành thì khách hàng phải trả thêm 10% so với số tiền ban đầu trong hợp đồng, tất nhiên là họ không đồng ý. Đối với đơn hàng mới thì khách hàng đang cân nhắc có nên thực hiện hay không khi đơn giá tăng lên 10%.
Một khó khăn lớn khác là về vốn đầu tư, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Sài Gòn TECH, cho biết đang triển khai dự án xây dựng nhà trẻ trong Công viên Phần mềm Quang Trung. Công trình cần đầu tư 48 tỉ đồng, hoàn thành thủ tục từ một năm rưỡi nay nhưng việc vay vốn hết sức khó khăn, không được ưu đãi do ngân hàng xếp dự án vào loại hình kinh doanh bất động sản, muốn vay phải thế chấp.
Hiện nay có khá nhiều nguồn vốn vay ưu đãi như vốn kích cầu, quỹ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin… nhưng các nguồn vốn này rất tản mạn và không đến được với doanh nghiệp. Đây là một điểm bất hợp lý! Các sở, hiệp hội cần nhanh chóng xây dựng các gói, quỹ hỗ trợ đến tận tay doanh nghiệp khi cần thiết chứ đừng đợi đến lúc họ phải đi xin nữa. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh |
Doanh nghiệp “quên” tận dụng cơ chế giảm thuế
Trước những vấn đề gút mắc trên, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Hiện nhiều nơi vẫn bị cào bằng việc vay vốn ưu đãi liên quan đến bất động sản. Vấn đề này, tổ công tác của Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ xem xét hỗ trợ. Về quy định thu giữ thuế khi nhập khẩu thiết bị, mục đích là tránh tình trạng doanh nghiệp trốn thuế nhưng trên thực tế lại gây khó cho doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan có công văn kiến nghị lên cấp trên giải quyết để tránh tình trạng chiếm dụng thuế, đồng thời tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp”.
Đối với vấn đề nguồn vốn vay, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó phòng Quản lý công nghệ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hiện có khá nhiều nguồn vốn có thể hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí có nhiều cơ chế để doanh nghiệp được giảm thuế xuất nhập khẩu.
Thế nhưng rất ít doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế của mình, đơn cử như việc được miễn thuế VAT khi nhập khẩu chuyển giao công nghệ. Nếu thiết bị nhập khẩu chưa sản xuất được ở Việt Nam thì được miễn thuế, những thiết bị mà doanh nghiệp chứng minh được là nằm trong dây chuyền sản xuất đồng bộ cũng được miễn. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tận dụng hiệu quả quy chế này nhưng doanh nghiệp của ta thì không!
Tuy nhiên, ông Thái cũng xác nhận: “Do hệ thống văn bản pháp lý không đồng bộ, mỗi bộ phận hải quan có cách xử lý khác nhau… nên việc thực hiện miễn thuế VAT trong hợp đồng chuyển giao công nghệ hết sức rắc rối”.
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024