Thị trường

Doanh nghiệp đang trở về giá trị thật

Từ cơ quan quản lý tới chuyên gia đều có chung nhận định, năm 2013 là khó khăn nhất của giới kinh doanh hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên nhờ đó, nền kinh tế đã thanh lọc mạnh mẽ các doanh nghiệp (DN) yếu kém, đầu tư chộp giật, phong trào.

Trải qua khó khăn DN sẽ làm ăn bài bản và cẩn trọng hơn. Ảnh: Tiền Phong.

Qua rồi doanh nhân xông xênh hoành tráng

Năm 2013, nhiều người đánh giá kinh tế Việt Nam đã chạm đáy, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Đặc biệt, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản mất dần sức hút, khi số DN thành lập ít, ngừng hoạt động tăng mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, đăng ký DN cả năm 2013 và quý I/2014 là biểu hiện của bước dịch chuyển cơ cấu kinh doanh, phản ứng của DN trước khó khăn. 

DN thành lập mới tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (dệt may, giày da, đồ nhựa, đồ gỗ, điện tử…) và dịch vụ. “Lựa chọn như vậy là rất đúng, khi những năm qua các lĩnh vực này vẫn duy trì sự ổn định. Đặc biệt, khi kinh tế phục hồi, đấy là những ngành tăng trưởng nhanh. Đồng thời đón đầu các hiệp định thương mại tự do Việt Nam sắp tham gia, như với EU, xuyên Thái Bình Dương (PPP), nội khối ASEAN”, ông Nghĩa nói.

Theo vị chuyên gia này, giới đầu tư đã nhìn thấy dấu hiệu khó khăn, có vấn đề, khả năng phục hồi chậm của những lĩnh vực lâu nay đem lại lợi nhuận cao, nên đầu tư theo phong trào, chộp giật, như: Đầu tư bất động sản và dịch vụ liên quan, tài chính, bảo hiểm. Do đó, đang chuyển sang đầu tư những lĩnh vực ổn định, khả năng phục hồi cao.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm qua các DN đầu tư theo phong trào đã giảm đi nhiều. Như trước đây “nhà nhà, người người làm bất động sản... nay đã cẩn trọng hơn, tính phong trào ít đi, đấy là tín hiệu đáng mừng.

Trong sự thất bại, đổ vỡ, rõ ràng DN Việt Nam đã trưởng thành hơn. Ngay cả số lượng giảm đi, quy mô nhỏ hơn nhưng tầm tư duy, độ chín chắn, tính hiệu quả, thậm chí đi vào các ngách của thị trường tốt hơn”, ông Lộc nói. Theo ông, các DN đã rút ra được kinh nghiệm xương máu về đầu tư theo phong trào, hoành tráng, to tát để dần trở lại với giá trị thực, làm ăn bài bản và cẩn trọng hơn.

“Trước đây, nhìn những doanh nhân xông xênh, ngồi trên những chiếc xe Lexus, cái gì cũng hoành tráng. Nhưng tôi không tin bằng những ông doanh nhân mặt đăm chiêu, hằng ngày tính từng tháng lương cho công nhân, giành từng hợp đồng”, ông Lộc ví von. Theo ông, khi nền kinh tế đi vào sự cạnh tranh gay gắt, và cơ hội cho sự đầu cơ, chộp giật sẽ ít đi, doanh nhân sẽ trưởng thành thật sự.

Tuy vậy, năm 2013, hầu hết DN thành lập mới đều quy mô nhỏ, theo TS Nghĩa, do tư nhân trông đợi phần lớn vào vốn vay ngân hàng. Nhưng tín dụng ngân hàng lại tăng trưởng thấp, DN khó tiếp cận. “Do vậy, nếu tăng trưởng tín dụng không phục hồi (vẫn mức dưới 12%), đầu tư khu vực tư nhân sẽ không thể tăng mạnh; kéo giảm đầu tư toàn xã hội, làm tổng cầu không tăng, cuối cùng tăng trưởng kinh tế vẫn thấp”, ông Nghĩa nói.

Vẫn phụ thuộc vào tài nguyên

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), năm 2013 là biến động lớn nhất của DN, sau một thập kỷ phát triển mạnh mẽ (kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực). Tiếp nối xu hướng các năm nước, năm qua có hơn 60.700 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể (tăng gần 12% so với 2012).

Trong đó, một số ngành bộc lộ rõ khó khăn, khi số DN thành lập mới giảm, ngừng hoạt động tăng. Đứng đầu danh sách này là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm: Thành lập mới giảm 5,4%, ngừng hoạt động tăng 58,6%; tiếp đến là dịch vụ việc làm, cho thuê máy; xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...

Năm 2013, có gần 77.000 DN ra đời (tăng 10% so với năm 2012). Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký chưa tới 400.000 tỷ đồng (giảm gần 15%), bình quân chỉ 5 tỷ đồng/DN mới. 

“Điều đó cho thấy, trong thành lập DN, các doanh nhân đang thận trọng hơn với mỗi đồng vốn đưa vào thị trường. Các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, yêu cầu ít vốn đầu tư, luồng tiền luân chuyển linh hoạt là lựa chọn tối ưu thời điểm hiện nay”, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, đánh giá.

Một số ngành nghề thu hút được nhiều nhà đầu tư, số DN thành lập mới tăng, như: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy; Công nghiệp chế biến, chế tạo... Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và yếu tố vốn; năng suất lao động chưa được cải thiện, làm giảm sức cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, năm qua các vùng có tỷ trọng DN thấp lại ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng so với vùng khác, như: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Do đó, số DN thành lập mới tăng cao hơn các vùng kinh tế trọng điểm lâu nay. “Cơ hội, tiềm năng kinh doanh ở khu vực nông thôn hiện còn lớn, vì ít DN. Tại các đô thị lớn đã có sự bão hòa về đầu tư, cơ hội kinh doanh không tăng lên tương ứng”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nhận định về cơ hội kinh doanh năm 2014, ông Lộc cho rằng: Khó có sự đột phá. Nhưng DN sẽ dần vào đà phát triển mới, chắc chắn hơn, kể cả DN đã thất bại. “Khi đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, một số lĩnh vực khó khăn trong ngắn hạn, nhưng một vài năm tới có tiềm năng lớn, như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ…”, ông Lộc tư vấn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, xu hướng chuyển dịch cơ cấu và thanh lọc DN kể trên vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài cải cách thể chế, chính sách, vấn đề then chốt của năm 2014 là “phá băng” tín dụng, quyết liệt xử lý nợ xấu. Nhằm kích thích tiêu dùng, giải quyết quan hệ ngân hàng - DN. “Nếu làm được vậy, số lượng và vốn DN mới sẽ tăng mạnh hơn năm qua, nhờ vốn ngân hàng”, ông Nghĩa khẳng định.

 

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo