Thị trường

Doanh nghiệp đau đầu lựa chiêu công - thủ

Khó đoán định tình hình kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh năm 2014.

Theo ông Hứa Thiên Vương, Giám đốc kinh doanh Công ty Cánh Cam (chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ), trong 2 năm qua, những doanh nghiệp trong ngành công nghệ quy mô nhỏ, mục tiêu tầm nhìn ngắn hạn, đã phải đóng cửa, hoặc ngưng hoạt động.

Sức mua của các thị trường truyền thống chưa hồi phục, năm 2014, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn
 
Chưa tiết lộ kế hoạch năm 2014, song ông Vương cho biết, năm tới, Công ty vẫn duy trì kế hoạch kinh doanh như năm 2013, chứ chưa mở rộng đầu tư, kinh doanh.
 
Trong khi đó, với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, sử dụng hàng ngàn lao động như Công ty TNHH Liên Phát, hiện vẫn “lu bu” với đơn hàng cuối năm.
 
“Ngành da giày có đặc thù là đơn hàng theo mùa vụ. Hiện tại, Công ty đang sản xuất hàng mẫu, để chào hàng ở các thị trường. Đây sẽ là căn cứ để lên kế hoạch cho năm 2014”, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát nói và cho biết, trong tuần qua, Công ty đã tiếp 4 đoàn khách của Tây Ban Nha đến tìm hiểu khả năng sản xuất của doanh nghiệp.
 
Không may mắn như ngành da giày, ngành gỗ mỹ nghệ vẫn phải vật lộn với việc tìm kiếm đơn hàng. Bởi lẽ, sức mua ở những thị trường truyền thống của ngành gỗ mỹ nghệ là châu Âu, Mỹ… chưa có dấu hiệu khởi sắc.
 
Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty SADACO cho biết, thông thường, doanh nghiệp hay căn cứ vào tình hình vĩ mô để lên kế hoạch kinh doanh cho năm sau, song với tình hình hiện nay, rất khó lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2014.
 
“Năm 2013 là năm khó khăn nhất của SADACO, nhưng Công ty vẫn cán đích kế hoạch đề ra. Hiện tại, cách tốt nhất để xây dựng chiến lược năm 2014 là căn cứ vào hiện trạng của doanh nghiệp để xây dựng chiến lược, hoặc có thể dựa vào đặc thù riêng của doanh nghiệp để đưa ra chiến lược đúng đắn”, ông Mạnh chia sẻ kinh nghiệm.
 
Không tiết lộ chiến lược năm 2014, song ông Mạnh cho biết, Công ty sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường ngách.
 
“Lúc này, cần xác định chiến lược phù hợp với thị trường đầu ra. Khi thị trường ảm đạm, doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất hàng cao cấp, thì sẽ khó khăn. Thay vào đó, vẫn những mẫu hàng hàng cao cấp được sản xuất như trước đây, nhưng sử dụng nguyên liệu gỗ tràm (trong nước) có giá thành vừa phải thay thế cho gỗ sồi (nhập khẩu) để đi vào phân khúc trung bình”, ông Mạnh nói.
 
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Phạm Ngọc Hưng cho hay, có nhiều doanh nghiệp chưa thể lên được kế hoạch kinh doanh năm 2014, đã tìm đến Hiệp hội để tham khảo tình hình kinh tế năm 2014.
 
Chính vì lẽ đó, cuối tuần trước, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức một Hội thảo mang tên “Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2014”, nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia kinh tế trao đổi, gợi mở cho doanh nghiệp những định hướng chiến lược phù hợp trong năm tới.
 
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế rất dè dặt khi đưa ra dự báo cho năm tới.
 
“Tại thời điểm này, chưa có dự báo cụ thể cho năm 2104. Doanh nghiệp cần có chiến lược, nhưng vẫn phải có những hướng để giải quyết rủi ro cho chiến lược kinh doanh, đặc biệt là khi bị tác động khách quan từ nền kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.
 
Còn theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM), chiến lược năm 2014 phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi doanh nghiệp. Tùy nội lực, doanh nghiệp phải vừa tấn công, vừa phòng thủ, chứ không chỉ căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô”, TS. Lê Thẩm Dương nói.
 
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết, đang có tình trạng là, trong khi doanh nghiệp nhỏ không trụ lại được, thì có những doanh nghiệp làm ăn tốt, tích cực lên kế hoạch đầu tư mở rộng, mục đích là giành lấy thị phần của những doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động. Vì vậy, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải quan sát môi trường xung quanh, để lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo